Bất cứ ai làm về lĩnh vực Marketing cũng không còn xa lạ chân lý: “Content is the king”. Tuy nhiên thách thức lớn cho giới Marketer đó là: Làm thế nào để khác biệt hoá giữa đám nội dung mời mọc vốn đã quá tải đối với tâm lý khách hàng? Visual storytelling – Kể chuyện bằng hình ảnh chính là chìa khóa vàng cho câu hỏi trên.

VẬY VISUAL STORYTELLING LÀ GÌ?
Những cái tên có thể rất dễ quên nhưng những câu chuyện hay thì sẽ luôn được ghi nhớ. Dưới con mắt của Marketer, Storytelling chính là kể chuyện sao cho có thể tác động tới cảm xúc người đọc, giúp họ thấu hiểu được các giá trị mà thương hiệu gửi gắm trong thông điệp của câu chuyện.

Tuy nhiên, những con chữ giờ đây không còn “đơn thương độc mã” trên con đường tiếp cận khách hàng khi có visual kề bên. Bằng cách kết hợp nội dung hình ảnh phù hợp, lôi cuốn (Visual) và lối kể chuyện hấp dẫn (Storytelling), phương pháp “hữu hình, kiệm ngôn” này đã thành công truyền tải trọn vẹn câu chuyện của bạn đến khách hàng mà không gây cảm giác nhàm chán.
Mọi người thường có xu hướng ghi nhớ lâu, hoài niệm lâu về những câu chuyện giàu cảm xúc, gây xúc động, đặc biệt là hình ảnh tình người, tình thân gia đình không những lay động trái tim và còn có thể lấy nước mắt khách hàng. Nắm bắt được tâm lý này, GrabFood đã kể câu chuyện “Đừng bỏ bữa” qua video ngắn 3 phút như một lời dặn dò nhẹ nhàng nhưng ấm lòng về giá trị và ý nghĩa của những bữa ăn – cũng là lời hứa chăm sóc khách hàng tận tình của thương hiệu này.
Mạch phim đi nhẹ nhàng như thuật lại hành trình của GrabFood một ngày rong ruổi khắp ngõ phố Sài Gòn mang từng bữa cơm đến cho mọi người. Đặc biệt, GrabFood còn ghi điểm khi không slogan khẩu hiệu suông, mà mã hoá tinh thần thương hiệu thông qua các cử chỉ, tính cách của nhân vật anh tài xế. Đây cũng là một trong những điểm mạnh của Visual Storytelling mà khó hình thức nào có thể truyền tải được.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VISUAL TRONG CÂU CHUYỆN CỦA BẠN
Truyền thông thị giác là yếu tố tiên quyết
Truyền thông thị giác – hay nói cách khác là tiếp thị nội dung bằng hình ảnh. Nó bao hàm các hình thức đa dạng và phổ biến như: hình ảnh, video, infographics hay những presentation ấn tượng… tất cả nhằm truyền tải thông điệp tới cho người dùng một cách trực quan và sống động nhất.
Nếu như trước đây, visual chỉ là yếu tố bổ sung cho câu chuyện, giúp câu chuyện trở nên sống động hơn, thì bây giờ, hình ảnh là một điều vô cùng quan trọng. Bởi lẽ 90% lượng thông tin mà não bộ tiếp nhận là hình ảnh. Sử dụng hình ảnh một cách hiệu quả sẽ giúp người đọc hứng thú hơn với câu chuyện của bạn và tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn.

Điều đó cũng xảy ra tương tự với video hay bất kỳ hình thức visual nào khác. Có lẽ bạn đã nghe nói ở khắp mọi nơi: Video quảng cáo là tương lai – và hiện tại Hubspot tuyên bố rằng: “Nội dung video không còn là một lựa chọn, đó là một thành phần thiết yếu của bất kỳ chiến lược quảng cáo thành công nào.”
Theo Forrester Research những người thích xem video về sản phẩm nhiều gấp 4 lần những người thích đọc về nó và giá trị của một phút video có thể ngang bằng 1,8 triệu từ. Điều đó làm cho việc sử dụng chúng trở thành một cách thực tế duy nhất cho thời gian quảng cáo và tiền đầu tư của bạn.
Thời đại của công nghệ và truyền thông
Việc ứng dụng công nghệ đã định hình lại cách mà con người giao tiếp với nhau cũng như cách họ kể một câu chuyện. Bắt đầu vào những năm 1800, công nghệ đã góp phần vào sự hình thành của thuật nhiếp ảnh, điện thoại, radio, truyền thông kỹ thuật số và truyền thông di động.

Ngày nay, với sự phổ biến của smartphone cùng các công cụ hỗ trợ chỉnh ảnh, quá trình tiếp cận thiết kế/design trở nên dễ dàng hơn với bất kỳ ai. Chẳng hạn như với video, YouTube đã hỗ trợ độ phân giải 4K, còn video HD đã trở thành một điều “đương nhiên” chứ không còn đặc biệt như trước. Sự phát triển này đã và đang tác động đến việc xây dựng những hình ảnh bổ mắt hơn, chất lượng hơn.
THƯƠNG HIỆU ĐÃ ÁP DỤNG VISUAL STORYTELLING NHƯ THẾ NÀO?
Kể chuyện dựa trên cảm xúc
Sue Wills – đồng sáng lập Hoot Marketing đã giải thích rằng: “Trong một xã hội mà mọi người đều bận rộn và có quá nhiều thông tin, việc khiến họ dành thời gian nhiều hơn cho một bài đăng trên mạng xã hội sẽ khá vất vả. Họ muốn nghe một câu chuyện truyền cảm hứng, một câu chuyện bạn kể mà người ta thấy mình trong câu chuyện đó, hoặc như một câu chuyện giúp họ thỏa sức suy ngẫm.”
Đặc biệt yếu tố âm thanh, hình ảnh trong một video sẽ cuốn hút người xem và giúp họ bộc lộ ra nhiều cảm xúc. Cho dù cảm xúc đó là sự tức giận, hạnh phúc hay thất vọng, thì mỗi cảm xúc đều đọng lại theo những cách khác nhau. Đặc biệt, những cảm xúc này chính là bước quan trọng khi thương hiệu muốn đẩy doanh số lên cao. Vì theo khảo sát, khách hàng sẽ mua một sản phẩm dựa vào 20% lý trí và 80% cảm xúc. Ngoài ra, một nghiên cứu của NY Times cũng cho thấy các bài báo cảm xúc được chia sẻ thường xuyên hơn.
Hãy cùng xem phim ngắn “What are girls made of?” nằm trong chuỗi chiến dịch tại Nga mang hơi thở mới lạ và cách chuyển tải đầy sáng tạo cho thông điệp “nữ quyền” bởi Nike.


Bộ phim dài hơn 2 phút kể về câu chuyện cô gái nhỏ vượt qua giới hạn để để theo đuổi những đam mê và ước mơ chinh phục của mình, hoàn toàn bình đẳng và ngang hàng với phái mạnh. Hình ảnh tự tin cất tiếng hát của cô gái nhỏ mặc cho những biểu hiện ngạc nhiên, ánh mắt nghi ngờ của đám đông khán giả cùng với giai điệu bài hát “What our girls and boys are made of” thể hiện thái độ tự tin bứt phá mà Nike muốn truyền tải đến thế hệ trẻ em gái. Bộ phim đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và vinh dự nhận giải Gold cho hạng mục Film tại Cannes Lions 2017.
Kể chuyện thông qua chia sẻ của khách hàng
Không thể phủ nhận, Gen Z đang trở nên độc lập, và cởi mở hơn so với thế hệ Millennials. Họ sẽ không định nghĩa bản thân theo một khuôn mẫu nào mà thiên về trải nghiệm để kiến tạo dấu ấn cá nhân qua thời gian, hay ngắn gọn hơn chính là tôn thờ sự cá nhân hóa. Vì vậy, tận dụng nội dung do người dùng tạo ra (User – Generated Connect) sẽ giúp gia tăng sự kết nối tự nhiên giữa các thương hiệu và người tiêu dùng, đặc biệt với thế hệ người tiêu dùng tương lai – Gen Z.
UGC (User – Generated Connect) về cơ bản là bất kỳ nội dung nào liên quan đến thương hiệu do khách hàng tự nguyện sáng tạo. Trải nghiệm tích cực với thương hiệu chính là động lực để họ chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp… Trong một khảo sát nói rằng, UGC ảnh hưởng tới quyết định mua của khách hàng đến hơn 20% so với các phương tiện truyền thông khác. Lý do rất đơn giản là vì chúng ta luôn có xu hướng tin tưởng vào đánh giá của người dùng bình thường so với các lời quảng cáo hoa mỹ, màu mè.

Để quảng bá cho việc ra mắt loại cốc có thể tái sử dụng giá 1$ của mình, Starbucks đã gợi ý khách hàng vẽ lên một chiếc cốc trắng và chụp lại bức ảnh chiếc cốc đó, sử dụng hashtag #whitecupcontest trên Instagram hay Twitter. Những nét vẽ này chính là những câu chuyện riêng mà mỗi khách hàng muốn chia sẻ. Chỉ trong vài ngày, cuộc thi đã thu lại hàng ngàn bức ảnh tham dự. Starbucks đã chứng minh rằng khách hàng của bạn chính là những người sáng tạo nhất, hãy để những thượng đế trở thành “người phát ngôn” cho chính thương hiệu của bạn.
Chia sẻ về nguồn gốc thương hiệu
Khách hàng thường luôn tò mò về những điều họ chưa từng được thấy. Như việc thương hiệu được thành lập thế nào hay đằng sau màn hình quảng cáo kia, bạn đã làm những gì để hoàn thành các chiến dịch hay ho như thế? Những sự kiện trong quá khứ hay hình ảnh không được phát sóng rộng rãi sẽ luôn khiến người xem tò mò, hào hứng. Brand có thể chọn Visual Storytelling dưới hình thức video ngắn, animation, motion graphic để kể lại câu chuyện của mình. Có thể bạn chưa biết thông qua câu chuyện và hình ảnh về lịch sử hình thành, khách hàng sẽ có những cái nhìn thực tế và khác biệt đối với thương hiệu. Đồng thời tạo nên sự thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn mà thương hiệu đã trải qua.
Cùng khám phá câu chuyện sáng lập “Huyền thoại LEGO”
Có thể thấy điều xuất sắc trong video này không chỉ nằm ở việc lựa chọn kiểu hoạt hình (animation) mà thực tế còn là việc motion graphic này được nhắm đến trẻ em – đối tượng có nhiều khả năng sử dụng sản phẩm nhất. Vì vậy phản ứng của những đứa trẻ giống như đang xem một bộ phim cổ tích chứ không phải một câu chuyện nhàm chán kể về thương hiệu.
Không chỉ dừng lại ở đó, The story of LEGO đã xây dựng một số nhân vật khá quan trọng bao gồm cả người sáng lập công ty, Ole Kirk Christiansen. Những nhân vật này có thể được “tái sử dụng” nhiều lần trên các tài liệu quảng cáo của LEGO. Chúng thường là những chỉ dẫn hướng mọi người đến trang đích (landing page) hoặc là hình ảnh minh họa cho một đồ họa thông tin (infographic) mang lại tính tương tác cao.

TẠM KẾT
Bạn muốn có một sự kết nối sâu hơn với khách hàng của mình? Vậy thì Visual Storytelling chính là một trong những gia vị không thể thiếu để content “go viral” và “chạm” đến cảm xúc người tiêu dùng. Cam hi vọng bài viết này sẽ mang lại thông tin bổ ích về phương pháp Marketing thông minh – Để hình ảnh kể chuyện. Hẹn gặp các bạn trong bài viết tới cùng Cam!
ĐỌC THÊM: VIRAL MARKETING LÀ GÌ? THƯƠNG HIỆU ĐƯỢC GÌ KHI TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH VIRAL MARKETING?
Người viết: Hoàng Thu Thuỷ