Denis Đặng là một cái tên không còn xa lạ đối với công chúng với những hoạt động nghệ thuật nổi bật của mình. Không chỉ với vẻ ngoài điển trai, những vai diễn trong các MV gây chú ý của Nguyễn Trần Trung Quân mà còn bởi vai trò giám đốc sáng tạo trẻ trung, đầy tài năng. Tuy nhiên, gần đây Denis Đặng bất ngờ bị dân mạng “bóc mẽ” là đã từng sử dụng ý tưởng và concept chụp ảnh của một Instagramer người nước ngoài để sống ảo hồi 2017. Cụ thể, anh bị tố đã “mượn tạm” ý tưởng chụp và chỉnh sửa ảnh của một tài khoản khá nổi tiếng trên Instagram. Vụ lùm xùm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của anh mặc cho động thái tích cực, lên tiếng giải thích xin lỗi cho việc làm của mình.

Trước Denis Đặng, đã có rất nhiều trường hợp gây xôn xao cộng đồng mạng. Kể cả đối với những thương hiệu lớn như Heineken cũng bị “tố” đã đạo ý tưởng của Budweiser cho chiến dịch “Trải nghiệm chuẩn sao” của mình. Đi từ nghệ thuật đến truyền thông, làm thế nào để biết đâu là điểm dừng và tạo nên sự thay đổi?

Geoffrey Hantson từng nói: “Tôi nghĩ chúng ta nên phân biệt rõ ràng giữa “lấy cảm hứng” và “đạo ý tưởng”. Một câu quote của Oscar Wilde đã nói rằng “It’s not where it comes from, it’s where you take it.” (Không phải là nó đến từ đâu mà là nơi bạn lấy nó). Tôi không thấy có vấn đề gì nếu quảng cáo tìm cảm hứng ở nơi nào đó. Dân sáng tạo cần cảm hứng và họ sẽ đi tìm kiếm nó. Người làm sáng tạo giỏi giống như miếng bọt biển vậy, tự họ hấp thu và “vắt” ý tưởng ra khi cần. Câu hỏi đặt ra là: “Bạn lấy cảm hứng từ đâu?” Thường thì dân sáng tạo sẽ tìm cảm hứng từ quảng cáo. Vậy thì không có nghĩa lý gì nữa. Rất khó để bật ra cái mới chưa ai biết khi mà bạn chỉ tìm cảm hứng từ những cái đã được làm rồi. Nhưng người làm sáng tạo nên biết cách tự thay đổi và đưa nó lên một tầm cao mới, tôi thì thấy không có vấn đề gì với chuyện đó.”

Đến ngay cả những ông lớn như Apple hay Google cũng không thể khẳng định sản phẩm của họ không sao chép bất kì chi tiết của sản phẩm nào. Tuy nhiên, dựa vào những ý tưởng ban đầu ấy mà phát huy khả năng sáng tạo để trở thành sản phẩm của riêng mình mới là điều quan trọng. Lấy ví dụ từ lĩnh vực truyền thông quảng cáo của Thái Lan, những sản phẩm của họ đều theo một lối kể, theo một cách tiếp cận chung tới cộng đồng nhưng cách họ phát triển sự sáng tạo lại làm cho từng quảng cáo trở nên khác biệt.

Ranh giới giữa “sao chép” và “mượn ý tưởng” vẫn còn vô cùng mong manh. Những người làm truyền thông, sáng tạo luôn phải nỗ lực từng ngày để biến ý tưởng chung trở thành bản quyền của riêng bản thân mình. Đến một ngày, nếu như ý tưởng của bản thân bị “đánh cắp”, đừng quá lo lắng! Bởi tất cả đều bắt đầu từ 99% bắt chước và 1% sáng tạo ( Dave McClure “It turns out all you gotta do is copy great shit 99 percent then innovate one percent every month and you can beat the crap outta most people.” ). Việc sao chép hoàn toàn ý tưởng của người khác sẽ thể hiện sự thấp kém và không bao giờ có thể gây dựng được tên tuổi cho thương hiệu của mình. 1% sáng tạo kia, là yếu tố quan trọng nhất để thể hiện sự khác biệt, là lý do duy nhất giải thích tại sao công chúng nên tin tưởng vào thương hiệu của mình.