Tại sao mọi người “ghét” xem quảng cáo? Giải pháp cho các doanh nghiệp là gì?

0
2089

Các nhà tiếp thị dành toàn bộ thời gian và tâm huyết để tạo ra quảng cáo cho sản phẩm của mình, nhưng mọi người lại thường có xu hướng cố gắng tránh né chúng. Có nhiều lí do khiến quảng cáo trở nên “phiền” với khách hàng, đây là sự thật rất dễ gây nản lòng và là trở ngại lớn với các marketers. Tuy nhiên không phải là không có giải pháp cho các thương hiệu. Cùng CaM tìm câu trả lời cho thực tế này nhé!

Khách hàng không hứng thú với quảng cáo là bất lợi lớn cho các nhà tiếp thị trên hành trình quảng bá, định vị thương hiệu của mình trên thị trường. Vậy liệu họ có thể tận dụng bất lợi để xoay chuyển tình thế, họ cần làm gì để biến quảng cáo thành niềm vui, là dấu ấn để mọi người nhớ về sản phẩm lâu hơn chứ không gây ra cảm giác phiền phức, khó chịu? Dưới đây là hệ thống các nguyên nhân dẫn đến thực tế này và những giải pháp hợp lí nhất CaM mang đến cho bạn:

1. Mệt mỏi vì “Bỏ qua quảng cáo”

Quảng cáo ngày nay thường biểu hiện dưới hình thức clip, TVC phát trên các phương tiện truyền thông như Youtube, Facebook… xuất hiện khi khách hàng đang theo dõi nội dung trên các mạng xã hội này. Bằng thuật toán công nghệ, quảng cáo có thể được phát tự động theo chủ đích của các nhà tiếp thị.

Nhưng cũng vì thế, quảng cáo thường xuất hiện quá nhiều, với tần suất cao, thậm chí lên đến 10 phút một clip xuất hiện. Một nghiên cứu gần đây cho biết: Mỗi người Mỹ bình thường có thể phải tiếp xúc với từ 4.000 – 10.000 quảng cáo mỗi ngày (từ bất cứ nơi đâu). Quảng cáo rác theo hình thức “tấn công mục tiêu”, đem lại mục đích ngắn hạn nhưng lại vô tình đánh mất thiện cảm từ khách hàng, khiến họ phải sốt ruột để được nhấn nút “Bỏ qua quảng cáo”.

Vậy giải pháp là gì? 

Thay vì đầu tư cho số lượng, các thương hiệu nên tập trung đến chất lượng quảng cáo. Nội dung nên được triển khai ngắn gọn, súc tích, đề cao sử dụng những Key Message dễ nhớ, bắt trend, có vần. Điều này sẽ giúp biến sự mệt mỏi khi phải xem quảng cáo thành việc kích thích hứng thú ban đầu cho người xem.

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu đã xây dựng TVC với nhiều KOLs nổi tiếng, chọn âm nhạc hay, bắt tai; hoặc tận dụng những điểm thú vị nhất gợi trí tò mò cho người xem trong chính 5 giây đầu quảng cáo trước khi nút “Bỏ qua” hiện lên;… 

Viettel Pay đã nắm bắt được tâm lý chung này khi cho ra mắt sản phẩm quảng cáo triệu view trong thời gian vừa rồi: MV “Làm gì phải hốt”. Sử dụng hàng loạt KOLs như JustaTee, Hoàng Thùy Linh, Đen, NSND Công Lý cùng âm nhạc bắt tai, MV khiến khách hàng sẵn sàng đón nhận chứ không còn đơn thuần coi là quảng cáo.

2. Thiếu niềm tin ở cụm từ “quảng cáo”

Nhắc đến quảng cáo, người ta thường nghĩ ngay đến việc các thương hiệu sẽ phóng đại công dụng, chất lượng sản phẩm, hay “hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa”…

Thực tế đã có nhiều quảng cáo thất bại khi nhà tiếp thị quên mất tính trung thực trong giới thiệu sản phẩm của mình. Bphone, chiếc smartphone đầu tiên do người Việt sản xuất, đã quảng cáo sai sự thật khi liên tiếp đưa ra những so sánh ngang hàng với Iphone. Điều đó đã gây nên thất vọng lớn với người dùng khi “Quảng cáo” khác xa thực tế.

Giải pháp là gì?

Các thương hiệu cần luôn ý thức và đề cao tính trung thực, minh bạch khi muốn sản phẩm của mình tiếp cận khách hàng. Trước hết phải đáng tin cậy trong tư cách một công ty thì thông điệp gửi tới người tiêu dùng mới đủ sức thuyết phục.

Nắm được tâm lí chung này, nhãn hiệu kem đánh răng Sensodyne đã hoàn toàn khiến khách hàng tin tưởng khi đưa vào clip quảng cáo những hình ảnh, yếu tố cũng như review về sản phẩm từ người dùng trước đó. Đây chính là điểm cộng tâm lí khiến công dụng sản phẩm thực sự được đề cao.

3. Không có giá trị cộng thêm

Các agency hay cả client thường mang tâm lí đặt nhu cầu doanh nghiệp lên trên hết, để hoàn thiện KPI của công việc mà vô tình bỏ qua kì vọng của khách hàng ở một quảng cáo. Vậy nên những yếu tố tạo sự tương tác với khách hàng chỉ đơn thuần dừng lại ở lời kêu gọi hành động rất nông, dễ quên, thiếu sáng tạo: “Hãy mua”, “Hãy trải nghiệm”…

Giải pháp là gì?

Mỗi nhà tiếp thị phải đặt mình vào tâm lí khách hàng: “Tôi sẽ nhận được gì từ đây?”. Từ đó, tích cực gia tăng tương tác với người tiêu dùng qua nhiều cách nhưng luôn phải đảm bảo nhắc đến nhu cầu khách hàng sẽ được đáp ứng, giải quyết nhờ sản phẩm như thế nào.

Họ có thể đưa vào sản phẩm quảng cáo những yếu tố giải trí, gây cười hoặc bắt trend như quảng cáo sản phẩm của Highlands – “Tết ngưng cà khịa, chuyện thêm bùi tai”.

Hoặc Storytelling cũng là một phương pháp rất hiệu quả để đánh trúng tâm lí đồng cảm từ khách hàng mà Viettel đã vận dụng rất thành công trong sản phẩm nổi bật mùa 8/3 vừa qua – “Tôi ghét mẹ tôi”.

Kết

“Mọi người ghét quảng cáo”. Sự thật có vẻ trần trụi nhưng không hẳn là xấu. Trên đây là một vài suy nghĩ, tâm lí chung đã và đang khiến mọi người còn tránh né quảng cáo. Hiểu được điều này, các thương hiệu sẽ có thể thay đổi phương pháp thu hút sự chú ý và kết nối với khách hàng tiềm năng theo cách có ý nghĩa hơn, biến bất lợi thành chính ưu thế và đem lại những sản phẩm quảng cáo thực sự thuyết phục.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here