Trong nền kinh tế hiện nay, thị trường bán lẻ luôn là mảnh đất vô cùng tiềm năng và màu mỡ thế nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Đặc biệt, với sự “trỗi dậy” của thương mại điện tử, các chiến binh của ngành bán lẻ lại ngày càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp cận tới trái tim khách hàng. Vậy đâu là bí quyết để thương hiệu có thể ‘sinh tồn’ và tạo dựng lợi thế trong sân chơi đầy cạnh tranh này? Cùng tìm hiểu 3 xu hướng để thương hiệu “toả sáng” trong ngành Retail trong bài viết này nhé.

Tương tác, trải nghiệm trực quan
Dưới áp lực cạnh tranh, các nhãn hàng bán lẻ liên tục tìm đủ ‘mưu kế’ để làm mới mình, khẳng định vị thế trong trái tim người dùng. Đó là lí do những cải tiến trong trải nghiệm khách hàng ra đời, những cải tiến dễ nhận thấy nhất ở góc độ hữu hình có thể kể đến là sự xuất hiện của các hình thức pop up, flagship store với mục đích trưng bày sản phẩm, tăng nhận diện cho thương hiệu.

Ví dụ đơn cử như Samsung, khi trình làng dòng sản phẩm mới, hãng đã “mạnh tay” đầu tư vào những showcase (triển lãm công nghệ) quy mô lớn, với hàng loạt hoạt động đa dạng như: triển lãm tương tác nghệ thuật VanGogh, khu thực tế ảo, phòng thu âm,.. qua đó, khách hàng có thể trực tiếp cảm nhận và đánh giá chất lượng công nghệ.
Tương tự, các hãng fast fashion như Zara, H&M đều luôn khiến khách hàng “tròn mắt” bất ngờ vì sự biến hóa mới mẻ của cửa hàng. Thực chất “bình mới rượu cũ”, các mẫu sản phẩm trong BST vẫn giữ nguyên, và team Visual Merchandise sẽ có trách nhiệm ‘hô biến’ diện mạo, từ cách bài trí, phối hợp outfit, thay đổi thiết kế… tất cả đều nhằm mục đích mang đến trải nghiệm mới mẻ và kích thích người dùng mua sắm nhiều hơn.
Đơn giản
Cùng với sự phát triển của thế giới phức tạp, người dùng lại càng có xu hướng “tiến hóa ngược”, nghĩa là họ luôn luôn ưu tiên những lựa chọn dễ dàng và tiết kiệm công sức nhất.
.jpg)
Điều này lí giải vì sao trong thời gian gần đây, các nhãn hàng luôn nỗ lực để tạo một trải nghiệm tối giản hết mức đến cho người tiêu dùng. Kẻ ‘đón đầu’ xu hướng chính là Vinmart với dịch vụ Scan N Go, cho phép khách hàng lựa chọn, cân nhắc giá cả, thanh toán vô cùng thuận lợi và tiết kiệm thời gian. Thương hiệu còn không ngại tích hợp dịch vụ đi kèm như: giao nhận hàng nhanh chóng, hệ thống tích điểm khuyến mãi, … nhằm tối giản hóa quy trình mua sắm, đáp ứng trọn vẹn tiêu chí “nhanh-gọn-nhẹ” của khách hàng hiện đại.

Quả thực, nhờ việc khai thác trọn vẹn painpoint và lối sống bận rộn của người dùng, Vinmart đã có một bước đón đầu đầy thông minh, chiếm gọn cảm tình của tệp khách hàng mục tiêu.
Nhất quán đa kênh (Omni-channel)
Rõ ràng, công nghệ dịch chuyển mở ra nhiều phương thức tiếp cận người tiêu dùng hơn, không chỉ giới hạn trong những cửa hàng truyền thống, mà thương hiệu còn vươn cánh tay dài tới mảng giao hàng, hoặc kết nối với bên thương mại trung gian. Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng đòi hỏi thương hiệu cần nỗ lực nhiều hơn để mang tới một trải nghiệm thật đồng nhất đến với khách hàng.

The Coffee House là một ví dụ điển hình. Với hệ thống số lượng lớn chuỗi các cửa hàng và liên kết với nhiều đối tác, bài toán đặt ra cho The Coffee House đó là làm sao để đảm bảo trải nghiệm nhất quán, liền mạch cho người sử dụng xuyên suốt hành trình khách hàng.

Câu trả lời nằm ở việc chuẩn hóa mọi giai đoạn thực thi. Từ quản lý dịch vụ trong cửa hàng, những đơn hàng online và quá trình giao – nhận, cho tới cái “bắt tay” tới các đơn vị vận chuyển như Grab, .. tất cả đều được đồng bộ và vận hành trên 1 hệ thống duy nhất, “đứng tên” The Coffee House. Nghĩa là, cho dù khách hàng đến từ nguồn nào, sử dụng dịch vụ ở đâu cũng đều nhận được trải nghiệm tương đương nhau từ đầu đến cuối chu trình (từ thực đơn, phong cách phục vụ, thời gian đặt và giao nhận hàng,…), đảm bảo được sự thống nhất về sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng khác nhau.