“Hợp đồng hình ảnh” của Bùi Tiến Dũng: Sau tất cả, chúng ta đều có lỗi !

0
580
Quả bom U23 Việt Nam đã lấn át truyền thông Việt Nam trong những ngày giáp Tết. Khi cơn sốt vẫn chưa đi qua, bản báo giá lên tới nghìn đô của thủ môn Bùi Tiến Dũng lại một lần nữa khiến dư luận phải đứng ngồi không yên. Một cuộc khẩu chiến nổ ra giữa Hiếu Orion và FLC Thanh Hóa, nhưng tất cả nhanh chóng kết thúc bằng lời xin lỗi, sự nhún nhường từ các bên và hình ảnh Bùi Tiến Dũng lại luyện tập hăng say trên sân cỏ. Thời điểm chuyển giao này rất phù hợp để nhìn lại sự việc vì ít nhiều chúng ta đã có đủ bình tĩnh và khách quan hơn trong đánh giá và nhìn nhận. Đây cũng là một bài viết gửi gắm đến những người làm truyền thông. Bắt lấy cơ hội cũng giống như bắt bóng, chỉ nhanh thôi chưa đủ phải chính xác!

Tất cả chỉ là bài toán lợi ích…

Đứng trên phương diện pháp lý, có vẻ như FLC Thanh Hóa có phần thắng thế hơn so với Orion Football Total ( OFT ) bởi trong tay nắm giữ bản hợp đồng với Bùi Tiến Dũng. Nhưng liệu câu lạc bộ này có độc quyền hình ảnh của anh hay không thì vẫn chưa ai dám khẳng định.

Ở các nền bóng đá phát triển, vấn đề về bản quyền hình ảnh phải được làm rõ ràng trước khi một cầu thủ đến với một câu lạc bộ.

Sở dĩ các CLB quan tâm đến “hình ảnh” của cầu thủ như vậy vì họ nhận ra: cầu thủ càng nổi tiếng thì ngoài giá trị về mặt chuyên môn giá trị thương mại của họ càng lớn bởi các nhãn hiệu rất thích “săn đón” các cầu thủ siêu sao. Điển hình như Cristiano Ronaldo, gần như mọi chỗ trên cơ thể anh đều được gắn với tên của một thương hiệu nào đó.

Nhận ra “món hời” này, các CLB khi thỏa thuận với cầu thủ thì ngoài hợp đồng lao động sẽ có một bản hợp đồng gọi là “bản quyền hình ảnh”- cho phép CLB khai thác hình ảnh của cầu thủ như tên, chữ kí, phát ngôn, dạo gần đây có thể bao gồm cả tài khoản Facebook và các phương tiện cá nhân khác ( lợi nhuận thường được chia đều : 50-50 ). Tuy nhiên cầu thủ có quyền không kí bản hợp đồng này nếu họ cảm thấy “tự lo liệu được”. Nhưng dù không kí thì khi cầu thủ muốn làm việc với một bên thứ 3 vẫn cần phải “hỏi ý kiến” của câu lạc bộ chủ quản bởi họ đang phụ trách chuyên môn của những cầu thủ này.

Quay trở lại với câu chuyện của Bùi Tiến Dũng. Việc tồn tại bản hợp đồng “bản quyền hình ảnh” có rất nhiều nghi vấn. Thứ nhất, người trong cuộc là Bùi Tiến Dũng tỏ ra rất “mông lung”, nếu đã kí thì chắc chắn phải nắm rõ bởi hợp đồng hình ảnh và hợp đồng lao động là 2 hợp đồng riêng rẽ, không liên quan đến nhau. Thứ 2 liệu FLC Thanh Hóa có thực sự quan tâm đến hình ảnh của Bùi Tiến Dũng khi kí kết hợp đồng – lúc Tiến Dũng vẫn là một cậu bé và trong suốt nhiều năm liền phải ngồi ghế dự bị?

Đó chỉ là hai luận điểm mang tính cá nhân, không ai có thể nói mạnh về vấn đề luật pháp. Từ những người ngoài cuộc chúng ta chỉ có thể bàn những chuyện phía ngoài của “bức rèm” và suy luận những điều đang diễn ra trong đó.

Con đường đi tới kiện tụng vẫn có phần nằm về phía OFT bởi Bùi Tiến Dũng chưa chính thức kí kết hợp đồng với công ty truyền thông này và cũng chưa có động thái của một bài post quảng cáo nào trên Facebook và các trang MXH khác của anh. Tuy nhiên cả Bùi Tiến Dũng và OFT phải hiểu rằng người nắm giữ đằng chuôi vẫn là FLC Thanh Hóa.

Câu chuyện đã có thể rẽ theo một chiều hướng khác nếu như OFT không quá nhanh chân, thay vào đó nên dàn xếp ổn thỏa vớii CLB trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Trong mọi chuyện để đạt được một thứ gì đó thường có 2 hướng, nếu cảm thấy bản thân đủ “lớn” hãy đối đầu, còn nếu chưa, hãy thu bé cái tôi để hợp tác.

 Người đứng giữa nào cũng chịu thiệt…

Chúng ta cứ mải phân biệt trắng-đen nhưng chẳng phải người trong cuộc đã dừng lại bởi vì họ cũng chẳng muốn đi sâu vào vấn đề luật pháp hay sao? Câu chuyện này về tình nhiều hơn về lý.

Đúng là nhờ có Hiếu Orion thì dân Việt Nam chúng ta mới biết đến cái khái niệm công ty đại diện cho cầu thủ. Công ty đại diện mang một cảm giác “gia đình” vì số lượng cầu thủ mà công ty đại diện không thể nào nhiều bằng số lượng cầu thủ của CLB. Chính vì thế họ cũng sẽ quan tâm đến cầu thủ một cách gần gũi hơn, cả về thể chất cũng như tinh thần. Điểm đáng nói là họ mang về cho các cầu thủ một nguồn thu ngoài sân cỏ, giúp cuộc sống của họ “ổn định” hơn.

Nhiều người nói Dũng chỉ cần tập trung vào đá bóng không nên tham gia mấy thứ quảng cáo,PR  này nọ như thế sẽ đánh mất bản ngã của anh… Hay : “những công ty này chỉ lợi dụng lúc người ta nổi tiếng rồi nhảy vào còn lúc khó khăn thì chẳng thấy mặt mũi đâu” Họ cũng vừa có ý đúng vừa có ý sai. Người hâm mộ biết đến anh bởi tài năng và yêu quý anh bởi cá tính hồn nhiên và sự thật thà vốn của một người cầu thủ. Họ không muốn anh sa vào guồng quay của lợi ích là đúng. Nhưng đời cầu thủ vốn đã bấp bênh, chẳng lẽ họ không muốn thần tượng của mình có “của để dành” lúc giải nghệ hay khi phải bỏ nghề vì chấn thương. Còn vấn đề thứ 2, có lẽ nhiều người cũng phải suy nghĩ lại. Chẳng có ai làm truyền thông lại đi chọn một người “vô danh tiểu tốt”  mà chính những người hâm mộ có những người còn chẳng biết Bùi Tiến Dũng là ai trước chiến thắng của U23 Việt Nam.

Nhưng nói thế nào thì một điều mà công ty đại diện phải làm được đó là “dĩ hòa vi quý” với câu lạc bộ chủ quản, bởi sân bóng mới là sàn diễn chính của các cầu thủ. Nếu như cầu thủ được ra sân đều đều thì tất yếu “miếng cơm” bên ngoài của họ cũng sẽ được đảm bảo.

Hiếu Orion sai ở chỗ chưa bắt đầu mà đã đẩy Bùi Tiến Dũng vào tình thế khó. Niềm vui vì được “có lương hưu” vừa mới chớm nhưng lại phải đối mặt với tình thế “ tiến thoái lưỡng nan”. Dù sao thì FLC Thanh Hóa cũng là nơi đào tạo Tiến Dũng từ khi còn bé, nếu như không có họ thì liệu chúng ta có thể biết đến một Bùi Tiến Dũng như bây giờ? “.

Hơn nữa lùm xùm này diễn ra  khi sự cạnh tranh giành suất chính trong đội hình của CLB rất gay gắt. Các thủ thành khác trong FLC đang có phong độ rất ổn định, họ cũng đem về cho CLB nhiều thành tích nên việc cho Bùi Tiến Dũng lên đội hình chính vẫn cần rất nhiều sự cân nhắc.Thực tế này rất khác với những gì Hiếu Orion đã từng hứa  “Yên tâm chiến đấu đi, Orion Media sẽ giúp các em một cách miễn phí không lấy một đồng nào, và thậm thí sẽ gọi thêm nhiều người hỗ trợ các em cái quỹ An Tâm để có thể có được một nguồn thu ổn định cho gia đình khi các em thi đấu và một nơi để các em về khi giải nghệ”  Yên tâm làm sao khi mà cách giải quyết của anh có thể khiến em ngồi ghế dự bị thêm nhiều mùa giải nữa?

Bài học nào từ câu chuyện này

Sự kiện này là một hồi chuông cảnh tỉnh để các CLB nhìn lại bản hợp đồng với các cầu thủ. Còn đối với những người làm truyền thông, bài viết này xin được trích một đoạn trên trang cá nhân của Hiếu Orion “ Tôi sẽ vẫn tiếp diễn con đường tìm cơ hội + tạo cơ hội cho các Idol khác như trong bài viết – chỉ có điều từ vụ này tôi sẽ cố gắng rút kinh nghiệm để không bị “việt vị” và trở thành “THẰNG cơ hội”. Và cũng mong mọi người bỏ qua đừng cố chấp: cuộc chơi này là Win – Win – Win > sẽ tốt cho cả Idol, Doanh nghiệp…”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here