Họ đã trả bạn bao nhiêu tiền để từ bỏ giấc mơ của mình?

1
3132

Những ngày vừa qua, ngôi trường Đại học Ngoại thương xuất hiện dày đặc với một tần suất lạ thường trên truyền thông. Chủ đề chính, lạ thay, vẫn không có gì mới khi chủ yếu xoay quanh mức lương của sinh viên sau khi ra trường. Nhưng dường như tất cả chúng ta, từ sinh viên, cựu sinh viên cho đến đội ngũ giảng viên và cả xã hội đã đặt vấn đề sai ngay từ đầu.

Trong bộ phim “Up in the Air”, nhân vật Ryan Bingham do tài tử George Clooney thủ vai đã hỏi nhân vật Bob đóng bởi J. K. Simmons một câu như thế này: “Họ đã trả bạn bao nhiêu tiền để từ bỏ giấc mơ của mình?” Lúc này, Ryan là một chuyên gia tư vấn nhân sự, được công ty chủ quản của Bob thuê để đảm nhiệm việc… sa thải Bob. Khi Bob tỏ ra tức giận vì mất đi công việc hiện tại đồng nghĩa với việc ông không có nguồn thu nhập để trả tiền vay mua nhà và trang trải tiền thuốc cho cô con gái bị bệnh hen suyễn, Ryan đã điềm tĩnh nhắc ông về niềm đam mê với ẩm thực Pháp từ ngày còn đi học, và gợi ý Bob rằng việc bị sa thải hoàn toàn có thể là một cơ hội để ông có thể theo đuổi niềm đam mê ấy.

Những ngày vừa qua, ngôi trường Đại học Ngoại thương xuất hiện dày đặc với một tần suất lạ thường trên truyền thông. Chủ đề chính, lạ thay, vẫn không có gì mới khi chủ yếu xoay quanh mức lương của sinh viên sau khi ra trường. Hiệu trưởng và cựu sinh viên cùng nhau lên tiếng bảo vệ quyền đòi hỏi mức lương cao của sinh viên trên mặt báo. Trang confession nóng lên vì những bài viết chia sẻ tâm trạng nhưng vẫn không quên “đính kèm” mức lương của mình.

Nhưng dường như tất cả chúng ta, từ sinh viên, cựu sinh viên cho đến đội ngũ giảng viên và cả xã hội đã đặt vấn đề sai ngay từ đầu.

Những định vị của Ngoại thương lâu nay vẫn gắn liền với “năng động”, “lương ngàn đô”, “công ty đa quốc gia”, hay ít liên quan tới hơn thì là “hoa hậu”. Hình mẫu lý tưởng được nhào nặn bởi bao thế hệ sinh viên Ngoại thương vẫn luôn có chút gì đó phù phiếm như vậy. Chính vì thế, Ngoại thương có tới 40 câu lạc bộ với hàng trăm sự kiện mỗi năm, tạo cơ hội cho bất kỳ ai cũng có thể xây dựng một bảng thành tích hoạt động ngoại khóa hay chiến tích các cuộc thi dày đặc. Chính vì thế, các chương trình Management Trainee của các tập đoàn lớn hiếm khi nào không nhắm đến đối tượng mục tiêu là sinh viên Ngoại thương, bởi đơn giản chỉ cần truyền thông là vô số sinh viên đã CV sẵn sàng.

Thế nhưng, ở Ngoại thương, ít khi nào người ta nói về những câu chuyện mang tính cá nhân hơn. Chúng ta ít khi nào nói về ước mơ của bản thân. Chúng ta không nói về mong muốn tạo ra những ảnh hưởng tích cực và lâu dài tới xã hội. Chúng ta không nói về đam mê nếu như đam mê đó không gắn với những con số nhiều chữ số.

Kết quả là sau vài năm, không ít cựu sinh viên Ngoại thương rơi vào tình trạng khủng hoảng nhẹ vì không tìm ra mục đích sống. Nếu như chiếu theo khái niệm Ikigai của người Nhật, thì công việc của họ nằm ở giao điểm của “những việc bạn có thể được trả lương để làm”, “việc bạn làm tốt” và “thứ mà thế giới cần,” nhưng không liên hệ với “việc mà bạn yêu thích”. Vì thế, không ngạc nhiên khi cảm giác chung của họ là thoải mái về mặt vật chất với cuộc sống hiện tại, nhưng có sự trống rỗng trong lòng.  

Liệu bạn có thể nói rằng mình đang ở điểm giao hòa của những yếu tố trên?

Theo một nghĩa nào đó, không rõ vô tình hay hữu ý, tất cả chúng ta đều đã được đóng gói theo một tiêu chuẩn cố định, như một gói mỳ Omachi khi được xuất khỏi nhà máy của Masan. Mức lương của chúng ta cũng được quyết định như quy trình định giá trong marketing, cân nhắc tới doanh thu và chi phí đối với doanh nghiệp tuyển dụng. Nếu gói mỳ này lệch chuẩn, khả năng cao là nó sẽ bị thiêu hủy thay vì đưa ra thị trường. Và dĩ nhiên, không ai thích một gói mỳ có ước mơ cả.

Bạn nên biết rằng, lương không phải là nguồn thu nhập duy nhất tồn tại mà chỉ là một trong số nhiều nguồn thu nhập. Một nhà đầu tư chứng khoán không có lương, nhưng có thể kiếm bộn tiền từ lãi những khoản đầu tư đúng. Một người chủ doanh nghiệp cũng có thể không có lương, nhưng vẫn giàu có hơn bạn nhờ vào giá trị công ty mà anh/cô ta đã xây dựng. So với một ngôi trường đào tạo về kinh tế, định nghĩa về tài sản của những người Ngoại thương lại hạn hẹp đến mức kỳ lạ.

Đồng thời, có một sự thật phũ phàng mà có lẽ bạn chưa từng nghĩ đến: các doanh nghiệp đa quốc gia là hiện thân của chủ nghĩa tư bản và đối với họ, bạn không có nhiều ý nghĩa hơn một con số. Nếu chiến lược của doanh nghiệp thay đổi, bạn hoàn toàn có khả năng bị loại bỏ. Bạn cũng có thể bị thay thế, bởi một người khác trẻ tuổi hơn, được giáo dục bài bản hơn, còn nhiều sức lực hơn và sẵn sàng chịu mức lương thấp hơn. Và trong một tương lai không xa, bạn còn đối diện nguy cơ bị thay thế bởi robot và phần mềm máy tính. Nhân vật Bob ở phần đầu bài viết chính là một nạn nhân của một biến cố như vậy. Trên thế giới, chuyện một lượng lớn nhân viên mất việc xảy ra như cơm bữa. Uber mới đây đã sa thải một phần ba nhân sự marketing toàn cầu chỉ để cắt giảm chi phí nhằm làm hài lòng các nhà đầu tư sau khi IPO. Hay những giao dịch viên tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, với số lượng có lúc lên tới hơn 600 người, vốn từng được coi là tầng lớp tinh hoa của ngành tài chính, giờ chỉ còn 3 người khi mà nhiệm vụ của họ đã được các thuật toán đảm nhiệm. Thế nên, một công việc lương ngàn đô giờ đây cũng chỉ mong manh như chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn cùng tên của O’Henry vậy (chiếc lá thật trên cây thường xuân chứ không phải chiếc lá được vẽ bởi cụ Behrman trong đêm mưa gió).

Henry Ford, ông vua của lĩnh vực xe hơi đã từng nói rằng: “Một doanh nghiệp không tạo ra gì ngoài tiền là một doanh nghiệp khốn khó.” Điều tương tự cũng có thể áp dụng đối với một con người. Tiền chỉ là một công cụ, nhưng chúng ta thường nhầm lẫn nó với mục tiêu. Đây là một sai lầm tương đối phổ biến trong cộng đồng Ngoại thương, được lặp đi lặp lại nhiều lần bởi các hoạt động PR đến mức chúng ta dần tin nó là sự thật. Nhưng rõ ràng là chúng ta cần thay đổi nó. 

Trước khi bước bước đi tiếp theo trong sự nghiệp của bạn, hãy dừng lại một phút và tự hỏi: “Mục đích của mình là gì? Liệu mình có đang bán rẻ ước mơ của bản thân hay không?” Bạn của tương lai sẽ biết ơn bạn của hiện tại rất nhiều nếu bạn làm như vậy.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here