DIGITAL MARKETING LÀ GÌ? DIGITAL MARKETING ĐƯỢC TRIỂN KHAI TRONG 4Ps NHƯ THẾ NÀO?

0
1140

Đại dịch Covid 19 bùng nổ trên toàn cầu đã dẫn đến sự chuyển đổi trong thói quen cũng như hành vi của con người. Cả xã hội đã và đang trở nên bình thường hóa với “digital life”. Từ việc khai báo y tế, mua bán thực phẩm thiết yếu đến học tập, nhu cầu kết nối giữa người với người giờ đây đều được thực hiện trên các nền tảng kỹ thuật số. Đứng trước sự chuyển đổi này, việc thích nghi với digital marketing trở thành nền móng thiết yếu cho sự phục hồi và phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu digital marketing là gì, digital marketing được triển khai như thế nào. Hãy cùng Cam tìm hiểu về cái tên đang dẫn đầu về độ hot trên sân chơi marketing này nhé!

DIGITAL MARKETING VÀ NHỮNG LẦM TƯỞNG

Digital marketing là gì?

Digital marketing (tiếp thị số) có thể hiểu đơn giản là tất cả các hoạt động marketing quảng bá cho sản phẩm/thương hiệu nhằm tác động đến nhận thức khách hàng, kích thích hành vi mua hàng trên nền tảng kỹ thuật số.

Trong bối cảnh bùng nổ của các nền tảng số và sự phát triển nhanh như vũ bão của các mạng xã hội, digital marketing đã tạo thêm nhiều cơ hội hơn để các doanh nghiệp có thể “chạm” tới khách hàng, “thắt chặt” thêm nữa mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng.

Vậy liệu digital marketing có phải là online marketing? 

Online Marketing hay E-marketing chỉ là một nhánh của Digital Marketing. Đây là các phương thức tiếp thị Marketing chỉ thực hiện được khi có kết nối internet thông qua một số kênh phổ biến như: Website, Social Networking, Adwords, SEO,…. Trong khi Digital marketing có thể truyền tải thông điệp trên bất kỳ thiết bị số nào dù có kết nối với internet hay không (bao gồm các kênh online marketking và một số nền tảng như TV, radio, SMS, các bảng hiệu kỹ thuật số,…)

ĐỌC THÊM: DIGITAL BRANDING VÀ DIGITAL MARKETING: TƯỞNG KHÔNG NHẦM MÀ “NHẦM KHÔNG TƯỞNG”

(Hình thái đa dạng của digital marketing)

Vậy trên thực tế, digital marketing được tiến hành như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua mô hình 4Ps quen thuộc dưới đây nhé!

MÔ HÌNH 4Ps DIGITAL MARKETING

Digital marketing là một chu trình rộng lớn nhưng không hề xa lạ. Các hoạt động marketing hoàn toàn có thể triển khai trên nền tảng digital. Chúng ta bắt đầu phân tích một chu trình  quen thuộc của Marketing Mix 4Ps khi gắn liền với digital.

1. Product – Digital Marketing dành cho sản phẩm nào?

Tất cả các hoạt động marketing đều bắt đầu từ sản phẩm bởi lẽ không có sản phẩm, thì cũng chẳng có giá, quảng cáo hoặc địa điểm. Sản phẩm ở đây không chỉ là một vật thể hữu hình mà nó còn bao gồm các hoạt động dịch vụ. Nếu ở marketing truyền thống ta cần nghiên cứu tới những yếu tố như: công dụng, chất lượng, bao bì, vòng đời sản phẩm… thì giờ đây các doanh nghiệp cũng đau đầu với một loạt câu hỏi khi chuyển các sản phẩm này sang định dạng digital.

(E-magazine với hình thức trình bày tương thích với nhiều thiết bị)

Để có thể cạnh tranh trên thị trường digital, mỗi thương hiệu cần phải nghiên cứu ở nhiều khía cạnh:

– Khi chuyển sang định dạng digital nên cải tiến thêm tính năng mới gì cho sản phẩm. Ví dụ như thêm chức năng chuyển đổi văn bản thành giọng nói trong các cuốn e-book hay  các group tương tác trên nền tảng MXH như một sản phẩm đi kèm cho các khóa học online,…

–  Trên nền tảng digital, sản phẩm cũng cần  được cân nhắc thiết kế như thế nào cho hợp lý. Ví dụ với một tạp chí được chuyển sang hình thức online, từ việc căn chỉnh định dạng, hay đổi font chữ đến cách dàn trang cũng cần thay đổi sao cho thu hút người đọc, đồng thời giảm thiểu các trường hợp mỏi mắt hay gặp trở ngại khi đọc,… 

– Một sản phẩm nên được giới hạn chu kỳ sử dụng trong bao lâu thì hợp lý mà vẫn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của người tiêu dùng. Ví dụ như các gói Netflix 6 tháng, Spotify premium trong ngày,….

Bên cạnh đó vẫn còn vô vàn các vấn đề khác mà các nhãn hàng, thương hiệu đã và đang tìm tòi, cải tiến từng ngày để có thể đưa sản phẩm của mình trở nên khác biệt và đột phá hơn trên thị trường hiện tại. Tổng kết lại, dù có sử dụng phương pháp digital marketing hay marketing truyền thống, các nhãn hàng, thương hiệu đều phải nghiên cứu thị trường, tìm ra thị hiếu của khách hàng cũng như những cơ hội để cạnh tranh với các đối thủ.

Thế nhưng, không phải sản phẩm nào cũng có thể chuyển hóa dưới dạng digital.  Chẳng phải đâu xa, đó là những mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu của con người như đồ ăn, quần áo; các mặt hàng FMCG nói chung,… Vậy những sản phẩm này sẽ có bước đi nào khi đứng trước thời kỳ công nghệ hiện đại, nền tảng digital đang phát triển mạnh mẽ? Điều này sẽ được triển khai ở chữ P thứ 2 – địa điểm bán và phân phối sản phẩm.

2. Price – Chiến lược giá 

Cả marketing truyền thống lẫn digital marketing đều cần xây dựng một chiến lược giá phù hợp dựa trên phân khúc thị trường và thị hiếu của khách hàng.  Đối với đa số các sản phẩm truyền thống, nền tảng digital chỉ đóng vai trò các kênh trung gian, giúp phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn; vì vậy giá cả của chúng thường được giữ nguyên so với việc mua ở cửa hàng. 

Thế nhưng, vào một ngày đẹp trời, bạn đang đi mua quần áo, đồ gia dụng ở trung tâm thương mại. Sau vài lần nâng lên đặt xuống món đồ yêu thích, bạn quyết định về nhà đặt hàng qua Shopee, Lazada… vì ở đó rẻ hơn. Đừng bất ngờ vì cùng một sản phẩm, cùng một nhãn hiệu nhưng giá cả lại khác biệt. Đối với một số mặt hàng truyền thống, việc sản phẩm đưa lên sàn điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoản chi phí thuê mặt bằng, xây dựng hệ thống cửa hàng, thuê nhân công ngoài đời thực. Từ đó, giá cả cũng được điều chỉnh hợp lý hơn, kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Bên cạnh đó, các hoạt động marketing trên nền tảng digital lại không đòi hỏi nguồn chi phí cao ngay từ khi bắt đầu. Tiêu biểu như Google, Bing, Cốc Cốc, Google Adwords và các nền tảng kênh xã hội như Facebook, Pinterest, Instagram đều đưa ra những giá thầu linh động tùy vào việc ngân sách của từng doanh nghiệp. Do đó những sản phẩm truyền thống như sách, báo, tạp chí hay các khóa học,… khi được chuyển sang định dạng digital:  E-books, online course, video materials,… đều có xu hướng giảm giá. Với nội dung không thay đổi nhưng giá cả lại trở nên “thân thiện” và việc mua sắm trở nên tiện lợi hơn, các sản phẩm này đã mang lại lượng lớn nguồn tiêu thụ cho doanh nghiệp.

3. Place – Phân phối sản phẩm ở đâu?

Trong thế giới marketing, địa điểm phân phối sản phẩm đóng một vai trò rất quan trọng. Việc đưa sản phẩm đến trước đối tượng mục tiêu vào đúng thời điểm và địa điểm trở nên dễ dàng hơn với sự hỗ trợ từ công cụ phân tích dữ liệu được sử dụng trên nền tảng digital. 

(Starbucks chính thức mở flagship store official trên Lazada)

Đối với digital marketing, các điểm để phân phối sản phẩm của  doanh nghiệp vô cùng đa dạng: từ các cửa hàng trên Facebook đến các trang ở Instagram, từ các website riêng của thương hiệu đến các sàn thương mại điện từ,… Quả thật các kênh phân phối trên nền tảng kỹ thuật số là những mảnh đất màu mỡ mang lại những hiệu quả rõ rệt trong các chiến dịch truyền thông cũng như việc gia tăng doanh số của thương hiệu.

(Các nhãn hiệu giày nổi tiếng kết hợp công nghệ AR Wanna Kicks giúp khách hàng thuận tiện thử và mua sắm qua website)

Nếu như phân phối sản phẩm theo hình thức cửa hàng truyền thống yêu cầu một đội ngũ nhân viên thực hiện khảo sát, thống kê và phân tích dữ liệu để tìm điểm bán hiệu quả nhất thì nền tảng digital cũng cung cấp các giải pháp tracking, dự báo. Mọi công việc sẽ có sự hỗ trợ bởi các công cụ quản lý và thống kê từ các chương trình được doanh nghiệp lập trình sẵn sao cho phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Từ đó doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa ra các quyết định điều chỉnh kênh bán hàng cho phù hợp với những thay đổi theo thời gian hay kịp thời dừng đầu tư vào kênh phân phối hiệu quả hơn khi đứng trước những rủi ro nghiêm trọng.

Tuy nhiên chỉ như vậy là chưa đủ. Để các điểm phân phối trên nền tảng digital thực sự hiệu quả, các doanh nghiệp cần chú trọng và đẩy mạnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại. Vậy họ đã làm gì để thu hút khách hàng tới cửa hàng số của mình? Chúng ta sẽ cùng phân tích ở chữ P cuối cùng.

4. Promotion – Xúc tiến thương mại

Promotion trong marketing là hình thức quảng bá sản phẩm để nhiều người dùng biết đến. Khi khách hàng đã quá quen thuộc bởi các hoạt động trình diễn, tặng hàng mẫu hay chiết khấu trên giá bán tại cửa hàng,… thì digital marketing đã mang đến một “làn gió mới” cho hoạt động xúc tiến thương mại bằng các chương trình khuyến mãi có tính tương tác caođộ lan tỏa rộng lớn

Đối với các loại hình promotion như give away, mua 1 tặng 1, giảm giá sản phẩm,… trong mô hình marketing truyền thống, khách hàng cần phải đến tận nơi, xem tận mắt mới biết và tham gia. Trên thực tế người tiêu dùng hiện nay đang dành rất nhiều thời gian để lướt web, liệu có cách tiếp cận nào hiệu quả hơn việc thực hiện các chương trình khuyến mãi này ngay trên internet? 

(Xúc tiến  thương mại “kiểu digital”)

Trên các trang mạng xã hội, những hình thức give away, review sản phẩm… ngày càng trở nên phổ biến. Tại các sàn thương mại điện tử, những mã freeship đi kèm với các chương trình giảm giá luôn là chủ đề nóng hổi trong các group lớn nhỏ. Bên cạnh đó, các nhãn hàng còn khôn khéo kết hợp với các KOLs và Influencers để giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên các trang digital cá nhân (web, fanpage, youtube,…) của họ. 

ĐỌC THÊM: CHIẾN DỊCH FREESHIP TRONG MARKETING – BÀI TOÁN TÂM LÝ ĐẾN TỪ CÁC SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Tất cả những hoạt động xúc tiến thương mại trên không những kích thích hoạt động mua hàng mà còn mang tính tương tác cao giữa khách hàng và thương hiệu, từ đó góp phần tạo hiệu ứng lan truyền cho độ nhận diện của sản phẩm. Quả là một mũi tên trúng hai con nhạn! 

Điểm mạnh của digital marketing còn nằm ở công nghệ trí tuệ nhân tạo thông minh. Với các dữ liệu từ thói quen sử dụng thiết bị digital của người dùng ta có thể phân tích chính xác hơn những nhu cầu, thị hiếu của họ. Qua đó các nhãn hàng có thể xác định thời gian, thiết bị và kênh hoạt động tốt nhất để đẩy mạnh các hoạt động quảng bá nhằm hướng khách hàng tới sản phẩm của mình. 

Nhờ các công cụ như: SEO, Social Marketing, Display Ads, Email Marketing, Affiliate Marketing… các hoạt động promotion trên nền tảng digital mang đến nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp trong quá trình đưa sản phẩm của mình tiến gần hơn tới tệp khách hàng tiềm năng. 

ĐỌC THÊM: PHƯƠNG PHÁP SONG TRÙNG TRONG PHÂN TÍCH DỮ LIỆU NGƯỜI DÙNG – LIỆU BẠN CÓ ĐANG BỊ ĐIỆN THOẠI CỦA MÌNH “NGHE LÉN”? 

(Các nghệ sĩ lựa chọn quảng bá album của mình trên Spotify)

(Các doanh nghiệp lấn sân quảng cáo trên nền tảng TikTok)

Không chỉ vậy, việc thực hiện chiến dịch promotion cho sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số còn có tính linh hoạt cao hơn nhiều so với quảng cáo truyền thống. Khi có sự biến đổi trong nhu cầu tiêu dùng và tâm lý của khách hàng, các hoạt động promotion và kênh digital sẽ được điều chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời thích nghi để tiếp tục đưa sản phẩm tới gần hơn với khách hàng tiềm năng.

Chúng ta hãy cùng điểm qua một chiến dịch đã khôn ngoan sử dụng digital marketing đúng người, đúng kênh, đúng thời điểm nhé.

(Chiến dịch quảng cáo viral của Biti’s Hunter)

Đã từng là cái tên chiếm giữ vị trí độc tôn trên thị trường giày, Biti’s đang gần như bị giới trẻ lãng quên khi người tiêu dùng ngày càng có nhiều chọn lựa hơn trên thị trường năng động, đầy cạnh tranh. Nhận thấy thách thức này, Biti’s quyết định đẩy mạnh marketing trên các nền tảng digital thông qua các kênh truyền thông và KOLs

Bắt đầu với việc dùng “product placement” ở MV “Lạc Trôi” của Sơn Tùng và chốt hạ bởi MV “Đi để trở về” kết hợp với Soobin Hoàng Sơn. Theo số liệu khảo sát của Biti’s, chiến dịch đã thành công tạo ra 87.000 cuộc đối thoại trên các cộng đồng mạng xã hội với hai hashtag #teamđi – #teamtrởvề vào những ngày cận kề Tết. Sau khi đăng tải MV của Soobin Hoàng Sơn ở mùa 1, Biti’s đã thu về hơn 170 triệu “brand mention”, thắng lớn tại PR Awards 2017 và không thể không nhắc đến việc đạt 300% mục tiêu doanh số bán hàng chỉ trong vòng 7 ngày

ĐỌC THÊM: PRODUCT PLACEMENT LÀ GÌ? CÁCH MÀ CÁC THƯƠNG HIỆU CHINH PHỤC KHÁCH HÀNG QUA MÀN ẢNH

Ngoài sức tưởng tượng, sức nóng của chiến dịch vẫn không hề giảm sau 1 năm, Biti’s tiếp tục cho ra mắt MV “Đi để trở về 2” đi đôi với cuộc thi “Chia sẻ về chuyến đi ý nghĩa nhất năm – Bắt đầu hành trình Đi để trở về của bạn cùng Biti’s Hunter” và nhận được khoảng 12.000 lượt chia sẻ tham gia. Chiến dịch promotion thông minh này đã góp phần làm doanh số Biti’s tăng trưởng đến 250% ở cuối mùa 2 và giữ vị trí Số 1 Youtube Ads Leaderboard Tết cho hai năm 2017 và 2018. Nối tiếp thành công này, vào dịp Tết hàng năm Biti’s lại cho ra một campaign kết hợp cùng sản phẩm ẩm nhạc ghi sâu vào tiềm thức mỗi khán giả: thấy Biti’s Hunter, thấy “Đi để trở về” là thấy Tết!

Tạm kết:

Trong xã hội hiện đại, digital marketing ngày càng được ưa chuộng và phát triển, thế nhưng marketing truyền thống cũng không hề mất đi ưu thế của mình. Trên thực tế, thị trường không phải trận chiến giữa digital marketing với traditional marketing mà là sự kết hợp hài hòa giữa cả hai. Để tồn tại và đứng vững trên thị trường, các thương hiệu cần khôn khéo phối hợp tiếp thị đa kênh dựa trên tính chất từ tệp khách hàng tiềm năng cũng như nguồn lực doanh nghiệp của mình. Đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ bởi vì nguồn khách hàng của bạn có thể biến mất khi bạn thức dậy vào ngày mai.

Người viết: Lan Lương

Nguồn tham khảo: advertisingvietnam, assetdigitalcom

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here