CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG F&B – CHIẾN DỊCH RA MẮT NHÀ HÀNG “ẢO” PEP’S PLACE CỦA PEPSI

0
1404

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay và đây cũng chính là giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp F&B thích nghi với sự khủng hoảng kinh tế do dịch Covid 19 gây ra. Các bạn hãy cùng Cam tìm hiểu xem xu hướng này đang làm thay đổi ngành F&B trên thế giới như thế nào và đến với case study thực tế của Pepsi trong chiến dịch nhà hàng “ảo” Pep’s Place để hiểu thêm nhé.

HIỂU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số là gì?

Chuyển đổi số là quá trình doanh nghiệp làm mới bản thân bằng cách tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào các khía cạnh của doanh nghiệp để có thể đáp ứng các nhu cầu của thị trường và sự thay đổi của doanh nghiệp. 

Chuyển đổi số trong Marketing

Tương tự định nghĩa về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong Marketing là việc các thương hiệu tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào các thành phần trong quy trình Marketing của mình như thiết lập các kênh phân phối, Marketing tại điểm bán, thu thập dữ liệu khách hàng, chăm sóc khách hàng, truyền thông tiếp thị,…

Marketing luôn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong việc thúc đẩy khách hàng tiêu dùng sản phẩm và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong Marketing sẽ giúp quy trình này vận hành một cách hiệu quả hơn, từ đó giúp tăng hiệu suất thu về lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, Marketing chắc chắn là một yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư vào chuyển đổi số, đặc biệt là trong điều kiện hạn chế về nguồn lực và vốn đầu tư.

CHUYỂN ĐỔI SỐ – GIẢI PHÁP CHO NGÀNH HÀNG F&B THỜI KÌ COVID 19

Chuyển đổi số mang lại rất nhiều ích lợi cho doanh nghiệp, bao gồm: tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và giữ chân họ ở lại với thương hiệu, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức của nhân lực,… Vì vậy mà đây là một xu hướng đang tăng trưởng rất nhanh chóng trong những năm trở lại đây.

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21% và 85% công việc trong khu vực châu Á sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.

Đặc biệt là trong tình hình khủng hoảng kinh tế do dịch Covid 19 như hiện nay, đây là một giải pháp được các thương hiệu ứng dụng rộng rãi nhằm cải tiến mô hình kinh doanh của mình để thích nghi với đại dịch. Một trong những xu hướng chuyển đổi số điển hình nhất hiện nay là xu hướng giao đồ ăn trực tuyến của các thương hiệu F&B. 

Theo báo cáo của Globenewswire, người dùng các dịch vụ thương mại điện tử từ F&B trên thế giới đạt 1,5 tỷ người vào năm 2019 và dự kiến ​​sẽ tăng 800 triệu người vào năm 2024 (mức tăng trưởng trung bình 25% sau mỗi năm).

Khủng hoảng Covid 19 buộc các thương hiệu F&B phải chuyển đổi để thích nghi với đại dịch

Khi Covid 19 xuất hiện và trở thành một đại dịch toàn cầu, các nhà hàng, quán ăn bắt buộc phải đóng cửa ở rất nhiều thành phố lớn trên thế giới và làm cho việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp F&B bị đình trệ nghiêm trọng. 

Đại dịch cũng khiến việc đi lại của người dân trở nên hạn chế hơn rất nhiều, điều này làm cho nhu cầu mua sắm online của họ tăng mạnh, tỷ lệ khách hàng tiếp cận với sản phẩm của thương hiệu qua các nền tảng trực tuyến ngày càng lớn. 

Nắm bắt được xu thế này, nhiều thương hiệu F&B đã tiến hành chuyển đổi các kênh phân phối truyền thống sang các kênh phân phối trực tuyến trên các nền tảng digital như website, app điện thoại,… nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thương hiệu với khách hàng. Sự chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả rất lớn, giúp các thương hiệu F&B nhanh chóng thích nghi với đại dịch và lấy lại đà tăng trưởng: theo báo cáo của Reportlinker, thị trường F&B toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng từ 2764,06 tỷ USD vào năm 2020 lên 3274,89 tỷ USD vào năm 2021.

Các kênh phân phối trực tuyến này thường được gọi là những nhà hàng “ảo”, trong đó các thương hiệu F&B sẽ cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn online với menu đa dạng để đáp ứng nhu cầu ăn uống phong phú của khách hàng mà không bị ảnh hưởng bởi vấn đề giãn cách xã hội.

Sự trỗi dậy của dịch vụ giao đồ ăn online

Do mức độ tiện ích cao và đặc biệt là hợp thị hiếu người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh nên thị trường giao đồ ăn trực tuyến đang tăng trưởng nhanh chóng trên toàn cầu trong thời gian gần đây, biểu đồ của McKinney&Company dưới đây sẽ cho thấy điều đó.

Bên cạnh đó, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, giá trị thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu đạt 84,6 tỷ USD năm 2018 và  dự kiến đạt giá trị lên tới 161,74 tỷ USD năm 2023. Với sự tăng trưởng như vậy, có thể thấy nhà hàng “ảo” đang là xu thế chuyển đổi số vô cùng phổ biến và nổi bật trong ngành hàng F&B hiện nay.

Là một ông lớn trong ngành F&B, Pepsi cũng không để mình phải tụt lại với xu thế chuyển đổi số thông qua dịch vụ giao đồ ăn online như hiện nay. Vì vậy mà mới đây, Pepsi đã cho triển khai chiến dịch ra mắt nhà hàng “ảo” Pep’s Place của mình với những trải nghiệm mới lạ, các bạn hãy cùng Cam tìm hiểu ngay dưới đây nhé. 

PEPSI CHO RA MẮT NHÀ HÀNG “ẢO” VỚI TRẢI NGHIỆM “NGƯỢC ĐỜI”: BEVERAGES COME FIRST

Pep’s Place

Vào đầu tháng 5 vừa qua, Pepsi chính thức cho ra mắt nhà hàng ảo mang tên Pep’s Place trên website PepsPlaceRestaurant.com và sẽ sớm có mặt trên các ứng dụng giao đồ ăn như DoorDash và GrubHub. Nhà hàng này mang lại cho người dùng một trải nghiệm ngược đời mới lạ – “Beverage-first”: người tiêu dùng sẽ chọn đồ uống yêu thích của họ trước rồi hệ thống sẽ tự động đưa ra đề xuất các món ăn kèm phù hợp với loại thức uống này. 

Và tất nhiên, những món đồ uống khách hàng có thể lựa chọn đều là đồ uống của thương hiệu Pepsi. Cụ thể thì menu đồ uống của nhà hàng này bao gồm Pepsi, Pepsi Diet, Pepsi Zero Sugar, Pepsi Real Sugar, Pepsi Wild Cherry, Pepsi Zero Sugar Wild Cherry, Pepsi Mango và Pepsi Zero Sugar Mango. 

“Beverages-first” hoàn toàn trái ngược với thói quen gọi đồ ăn trước rồi mới đến đồ ăn của hầu hết mọi người khi đến nhà hàng cũng như khi đặt đồ ăn qua mạng. Vì vậy, Pep’s Place của Pepsi hứa hẹn mang đến một trải nghiệm mới lạ khi việc đặt đồ uống trở nên được ưu tiên. Và một điều tinh tế các bạn có thấy chính là với cách vận hành này, Pepsi có thể “tiện thể” quảng cáo luôn cho toàn bộ dòng sản phẩm của thương hiệu mình, bao gồm cả sản phẩm mới như Pepsi Mango mới được ra mắt gần đây.

Better with Pepsi

Để quảng bá sản phẩm Pep’s Place mới ra mắt này của mình, thương hiệu con của Pepsi – PepsiCo đã triển khai chiến dịch “Better With Pepsi”. Cụ thể trong chiến dịch này, Pepsi cho ra mắt 7 video quảng cáo 16 giây mang “phong cách ASMR” kích thích thị giác và thính giác của người xem. 

ASMR hiểu đơn giản là một cảm giác cực khoái ở đầu hay cổ của người xem sau khi tiếp nhận một số kích thích từ những âm thanh êm ái hoặc từ những hình ảnh lặp đi lặp lại. Hiệu ứng này mang lại cho người ta cảm giác rất thoải mái, đê mê và rất thích hợp trong việc thư giãn. ASMR là hiệu ứng được sử dụng rất phổ biến trong các video review đồ ăn của các youtuber, các bạn hãy xem video dưới đây để xem mình có cảm nhận được hiệu ứng này hay không nhé.

Cụ thể trong các video “Better with Pepsi”, ASMR được thể hiện trong biểu cảm sung sướng của người đóng mỗi khi cắn một miếng hotdog, sườn nướng cùng với tiếng “àaaaa” dài hơi sảng khoái sau khi uống một ngụm pepsi ngay sau đó. 

Bằng cách sử dụng hiệu ứng này, Pepsi đã tập trung làm nổi bật cảm xúc thăng hoa, sảng khoái của người ăn khi thưởng thức những món đồ ăn nhanh như bánh mì kẹp xúc xích, sườn nướng hay cánh gà cay cùng với 1 lon Pepsi. Qua đó, Pepsi đã truyền tải được một thông điệp: “chỉ cần bạn uống kèm Pepsi với đồ ăn, tất cả những món ăn đều sẽ trở thành món tủ của bạn”, từ đó mời gọi những tín đồ của fast food hãy sử dụng Pep’s Place để có những cơn cực khoái cùng Pepsi.

Có thể thấy “Better with Pepsi’” được triển khai rất khác với các video quảng cáo đồ ăn thông thường được xây dựng theo mô típ: các món ăn nhanh luôn được ưu tiên vị trí “vedette” với những hình ảnh zoom cận cảnh và hiệu ứng slow-motion nhằm thu hút sự chú ý của người xem vào món ăn đó, từ đó kích thích thị giác và gây ra sự thèm ăn trong tâm trí họ. 

TẠM KẾT

Pep’s Place là một dấu hiệu cho thấy PepsiCo đang sẵn sàng thử nghiệm  tích hợp các trải nghiệm ảo từ công nghệ số vào việc phân phối sản phẩm của mình để bắt kịp với các xu hướng chuyển đổi số trong ngành F&B trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, Pepsi cũng đang đứng trước rủi ro trong việc liệu rằng xu hướng đặt đồ ăn online này vẫn sẽ duy trì được độ nóng khi vacxin phòng Covid đã dần được đưa vào sử dụng, các hạn chế do đại dịch xung quanh việc ăn uống trực tiếp sẽ sớm được giảm bớt trong tương lai gần. Các bạn hãy cùng Cam chờ xem kết quả của chiến dịch Pep’s Place này trong thời gian tới nhé.

Người viết: Quang Tuệ

Nguồn: advertisingvietnam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here