“Làm ở đâu không quan trọng bằng làm được những gì!”

0
1441
Trong số đầu tiên của chuyên mục Humans of Marketing, chúng ta sẽ làm quen với anh Nguyễn Thành Long, Direction of Account Management tại Xanh Marketing, Former Head of Marketing School tại Cốc Cốc và giảng viên Digital Marketing tại FPT School.

Có thể nói, những cuốn sách self-help hay những bài viết truyền cảm hứng về đề tài theo đuổi đam mê luôn là những nội dung thu hút bạn đọc trẻ. Tuy nhiên đây là câu chuyện về một người không lựa chọn công việc đam mê nhưng lựa chọn công việc mình có thể thăng tiến và không ngừng được học hỏi.

“Marketing giống như một cái cần câu cơm”

Anh lựa chọn phát triển sự nghiệp trong ngành Marketing có phải vì đam mê?

Chàng sinh viên Ngoại Thương với những bước đầu trong sự nghiệp

Anh Long (cười): Đam mê ư? Khó nói quá…

Anh nghĩ trong cuộc đời anh chỉ có đam mê duy nhất là làm diễn viên. Anh thích giải trí và nghệ thuật lắm, hay xem phim và “tầm xàm ba láp” về nó.

Hồi ở Vũng Tàu anh vẽ mục tiêu cuộc đời lên tấm bảng trong phòng là thi đại học Sân khấu điện ảnh nhưng cuộc đời run rủi lại vào Ngoại Thương. Nói vậy thôi chứ anh luôn cảm thấy đó không phải là thế giới của mình. Chắc là chưa làm được nên anh vẫn thấy nó đẹp, và thỉnh thoảng hay mơ về nó.

Còn với anh, Marketing giống như một cái cần câu cơm. Anh có hội đủ nhiều yếu tố để làm công việc này tốt, là thứ mình có thể kiếm tiền được. Công việc đầu tiên của anh là làm PR ở đại học, rồi sau này làm cho kênh 14, và cứ thế nó trở thành nghề của anh. Sâu thẳm trong anh không nghĩ Marketing là niềm đam mê và nói thật đôi khi anh cảm thấy mệt mỏi, thật sự rất mệt mỏi… Nhưng anh có khả năng với nó và nó cũng giúp anh kiếm sống, cho nên anh phải bảo toàn “cần câu cơm” này.” 

Anh Long thứ 2 từ phải sang đứng cạnh nhà báo Lê Quốc Vinh tại Vietnam Sales and Marketing Camp 2016

Anh có thể chia sẻ một chút về khởi đầu của anh tại kênh 14 không?

Anh vào Kênh 14 cũng hết sức tình cờ. Hồi đó anh có quen một chị đang làm việc ở đó và trong một lần nói chuyện thì chị ấy đề nghị anh làm trợ lý. Công việc chủ yếu là làm forum seeding nhưng tính của anh thì cứ thấy có việc là làm, làm xong việc của mình thì lại ra xem người khác đang làm gì. Sau này người chị kia nghỉ thì anh lên vị trí của chị ấy.

Anh may mắn khi có được sự khởi đầu ở Kênh 14 vì nhờ có nó mà anh làm việc với rất nhiều người giỏi như chị Gào, anh Minh Bùi,…Những mối quan hệ mà anh có hiện nay cũng là từ Kênh 14.

Vậy còn Cốc Cốc, dấu mốc giúp anh được nhiều người biết đến hơn? 

Giám đốc Marketing học viện Marketing Cốc Cốc từ 2015 đến 2017

Anh Long: Môi trường làm việc của Cốc Cốc mang tinh thần khởi nghiệp và “tây”, anh có thể làm điều anh muốn, điều mà anh tưởng tượng. Cốc Cốc có một sản phẩm chính là Quảng cáo Cốc Cốc, một nền tảng cho phép người dùng quảng cáo trên hệ sinh thái của Cốc Cốc. 

Thời điểm đó, Google và Facebook là sự lựa chọn hàng đầu để quảng bá sản phẩm, nếu như Cốc Cốc cứ thế tiến vào thị trường thì chắc chắn thất bại. Vì vậy nhiệm vụ của anh là educate thị trường, tức là khiến khách hàng tiềm năng biết đến hệ thống quảng cáo Cốc Cốc thông qua các khóa huấn luyện đào tạo về Digital. 

Trước khi rời khỏi đây, anh và đội ngũ của mình đã lên chiến lược cho Cốc Cốc Academy. Vì một công ty công nghệ thì phải giúp người dùng sử dụng dễ dàng, chỉ dựa vào Help Center và FAQ thì chưa đủ. Đưa kiến thức và thông tin sang dạng bài giảng giúp người dùng tiếp thu dễ dàng. Giúp họ tận dụng các tính năng hiệu quả và đề phòng các rủi ro có thể xảy ra, như vậy khả năng thành công của người dùng sẽ cao hơn. Đó là cách để tạo ra khách hàng hài lòng, những người sẵn sàng trở thành promoter của thương hiệu.

Giảng dạy các khóa đào tạo Marketing cho doanh nghiệp và doanh nhân trẻ

“Anh hạnh phúc khi làm công việc tạo giá trị cho nhiều người và bản thân anh được phát triển từ những thử thách mới.”

Ngoài kênh 14, Cốc Cốc, anh Long cũng từng làm việc tại nhiều nơi như FPT, iVIVU, BSA Center Vietnam nhưng thời gian chỉ kéo dài từ 1-2 năm. Anh còn chạy các dự án lớn nhỏ và cứ một vài tháng lại bay ra Hà Nội để dạy học. Tại sao ở độ tuổi 30 người ta mong muốn sự ổn định còn anh thì ngược lại?

Anh Long: Ở lứa tuổi 30 người ta sẽ tìm kiếm sự ổn định nhưng đó không phải điều anh mưu cầu. Anh hạnh phúc khi làm công việc tạo giá trị cho nhiều người và bản thân anh được phát triển từ những thử thách mới.

Anh Thành Long là Co-founder của Markus Marketing School

Nhiều lần anh cũng ngồi lại và quan sát, tại sao những người quen của anh đều đang làm cho những doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà mình thì không. Và anh biết câu trả lời là gì. Năng lực của anh không phải là rào cản để anh tiến tới những nơi đó, chỉ là anh cảm thấy không có duyên. 

Một người bạn của anh làm ở Google với thu nhập 20.000 đô/tháng, phạm vi công việc ít cho cậu ấy nhiều thời gian rảnh. Lương cao và nhàn hạ là giấc mơ của nhiều người nhưng đó không phải điều dành cho anh. Làm ở đâu không quan trọng bằng làm được những gì – đối với anh là thế.

Anh rất đề cao môi trường giúp anh phát triển bản thân, nó còn có nghĩa người lãnh đạo và đồng nghiệp của anh, vậy anh đã học hỏi từ họ như thế nào?

Anh Long: Sếp của anh ở Cốc Cốc là người Nga, tư duy của họ rất khác người Việt, họ sẽ không bao giờ thỏa mãn nếu mình không đưa ra một câu trả lời chính xác. 

Trong một sự kiện anh đề xuất tặng người tham dự coupon 500.000 VND, ngay lập tức sếp hỏi “Tại sao là 500.000 mà không phải là 400.000 hay 300.000?.” Có lần anh đưa vào slide mũi tên gấp khúc để thể hiện tăng trưởng thì một lần nữa lại nhận được câu hỏi “Tại sao gấp khúc”. Sau những lần không trả lời được như vậy anh thay đổi hướng tư duy của mình logic và phản biện hơn. 

Khoảng thời gian ở Cốc Cốc rất khắc nghiệt. Sau hai tháng thử việc Sếp thông báo rằng anh không qua, nếu muốn ở lại thì phải đi cùng cô ấy ra Hà Nội để triển khai dự án tiềm năng hơn,không xác định ngày về. Anh đồng ý. 

Một ngày của anh không chỉ là liên tục trả lời những câu hỏi phản biện của sếp mà còn phải chú ý lời mình nói có câu nào thừa thãi không. Anh nhớ có lần sau khi Sếp gửi một đường link, anh nói “Wow, bạn tìm cái này ở đâu hay quá vậy?” và biết sếp anh trả lời sao không – “Bullshit! Cậu phải biết rằng mình đang làm việc trong một công ty cung cấp giải pháp tìm kiếm dành cho người Việt.”

Đúng thật, người nước ngoài làm việc rất có mục đích chứ không nói hay làm những thứ vô thưởng vô phạt. Kinh nghiệm này ảnh hưởng phong cách làm việc của anh bây giờ.

Dù không còn công tác ở Hà Nội, anh Long vẫn thường xuyên phải bay giữa Hà Nội và Sài Gòn để thực hiện các dự án

“May mắn, thành công, thất bại đều xảy ra với tất cả mọi người, chỉ là nó đến trước hay đến sau.”

Không chỉ chia sẻ về câu chuyện của mình “ông ngoại Long” (nickname của anh Thành Long) còn đưa ra quan điểm của mình khi chứng kiến rất nhiều bạn trẻ thành công ở tuổi 20, 21 nhưng phần lớn vẫn còn đang loay hoay với con đường của mình.

Công việc giảng dạy là cầu nối giúp anh Long hiểu hơn về sinh viên và giới trẻ nói chung

Anh nghĩ rằng cuộc đời là một vòng tuần hoàn. May mắn, thành công, thất bại đều xảy ra với tất cả mọi người, chỉ là nó đến trước hay đến sau. 

Anh có những người bạn mất bố mẹ từ sớm, có thể ban đầu những bạn đó sẽ kém may mắn hơn anh vì gia đình anh vẫn đầy đủ bố mẹ. Nhưng sau biến cố đó, bạn của anh trưởng thành, trầm tính và chín chắn hơn bọn anh rất nhiều. Chính sự chín chắn đó nó làm xoay chuyển rất nhiều thứ trong cuộc sống của bạn ấy sau này.

Em có thể thấy một người thành công từ sớm, nhưng có thể trước đó họ đã phải trải qua rất nhiều thất bại và khó khăn hoặc là thử thách sẽ đến ở đoạn đời sau của họ. Cũng sẽ có một ngày các em trải qua một thời kỳ vàng son khiến các em tự hào, chỉ là bây giờ nó chưa tới thôi. Cốc Cốc có thể cho là giai đoạn đó của anh nhưng trước khi anh và Cốc Cốc gặp nhau thì anh đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến, to có nhỏ có. 

Ai cũng xứng đáng có được may mắn và thành công, chỉ cần em luôn cố gắng và không được chây lười.’’

Một khoảnh khắc đáng yêu với các học viên tại Markus Marketing School

Những chia sẻ của anh Long hi vọng sẽ mang lại cho các bạn một góc nhìn mới về đam mê và thành công trong cuộc sống. Thay vì loay hoay chưa biết bản thân thích gì thì tại sao không thử đưa mình vào những thử thách mới. Trải nghiệm nào cũng đều xứng đáng vì nó luôn mang lại giá trị tích lũy về cả kiến thức và vốn sống, mở rộng tư duy và đạt tới giới hạn mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới.

Thực hiện: Khánh Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here