Trong thời đại mà thời gian con người dành cho các nền tảng số ngày càng nhiều, các thương hiệu phải tự làm bản thân khác biệt để không bị lãng quên trong lượng thông tin khổng lồ mà người dùng tiếp cận mỗi ngày. Khi mà các mẫu thiết kế đang ngày càng tối giản để phù hợp với thị trường thì yếu tố còn sót lại để các thương hiệu tự do thể hiện mình chính là màu sắc. Hôm nay hãy cùng Cam tìm hiểu ý nghĩa mỗi sắc màu mang lại cũng như tầm quan trọng của nó tới mỗi thương hiệu nhé.
Tại sao marketer cũng cần có hiểu biết về màu sắc?
Trong mỗi thiết kế, những sắc màu có ý nghĩa không chỉ về mặt thẩm mỹ mà quan trọng hơn, với khả năng tác động trực tiếp lên tâm lý con người nên màu sắc còn giúp thương hiệu thể hiện tính cách cho mình, đặc biệt khi mà Digital Branding ngày càng trở nên phổ biến.

Với nhiều doanh nghiệp, màu sắc được sử dụng cho các mẫu thiết kế từ logo, ấn phẩm, bao bì, truyền thông,…đều có sự thống nhất để cùng nhau xây dựng bộ nhận diện hoàn chỉnh cho thương hiệu. Sử dụng màu sắc một cách hợp lý có thể giúp thương hiệu nắm “đặc quyền” sở hữu bộ màu sắc đó thay vì những đối thủ cùng phân khúc. “Đặc quyền” này của thương hiệu có thể là thành tố quan trọng tạo ra lợi thế cạnh tranh trong quá trình tạo dấu ấn nơi tâm trí khách hàng.
Tuy vậy, có thể nói màu sắc cũng như một “thú dữ” chờ để thuần phục. Biết được tầm quan trọng của màu sắc là như vậy nhưng thật không dễ để thương hiệu sử dụng màu sắc để chạm đúng tới cảm xúc khách hàng. Cũng chỉ là một màu cơ bản, nhưng thay đổi độ đậm nhạt, đặt nó cạnh một màu khác, hay chỉ đơn giản là với các nền văn hóa khác nhau thì màu sắc đó đã thay đổi ý nghĩa ban đầu rồi. Chính vì tầm quan trọng cũng như việc khó dùng nên không chỉ designer mà cả marketer cũng cần trang bị những kiến thức cho mình kiến thức để lựa chọn một bộ màu mang đúng sắc thái cho thương hiệu.
Vậy hãy cùng bắt đầu tìm hiểu xem những màu sắc có ý nghĩa như nào trong branding nhé!
MÀU ĐỎ
Đỏ là một trong những màu sắc phổ biến nhất trong các mẫu thiết kế do sự đa dụng cũng như tính nổi bật của màu sắc này. Do là sắc màu của máu và lửa nên màu đỏ tự mang trong mình nhiều ý nghĩa. Phải nhắc tới đầu tiên, đỏ là màu của sự ấm áp, sự tích cực khi đi cùng những màu có hướng nhạt như trắng mà dễ hình dung nhất có lẽ là hình ảnh những chiếc kẹo que hay những ấn phẩm mùa Noel.

Màu đỏ mang đến sự ấm áp, tích cực cho CANIFA
Màu đỏ cũng hoàn toàn có thể mang tới sức mạnh, năng lượng, sự quyết tâm mà có thể kể nhanh qua những thương hiệu có sắc đỏ chủ đạo như hãng laptop gaming MSI, nước Sting hay hãng xe nổi tiếng Ferrari của Ý. Về tình yêu, màu đỏ thẫm tượng trưng cho sự lãng mạn, nồng cháy nhưng cũng có thể mãnh liệt hơn với một chút sắc màu tình dục. Ngoài ra, màu đỏ cũng mang sắc thái bạo lực với tông màu tối hơn, nhưng cũng có thể là sự may mắn nếu được thương hiệu sử dụng đúng với những quốc gia Đông Á, ví dụ như vào dịp Tết.

Ông lớn ngành ô tô Ferrari với sắc đỏ đặc trưng
MÀU VÀNG
Với sắc vàng của nắng, các thương hiệu có thể dùng màu này để mang lại sự ấm áp, thân thiện, vui vẻ. Nhiều sản phẩm hướng tới trẻ em sử dụng nhiều màu vàng tươi để tăng sự thích thú và khả năng hoạt động trí óc ở trẻ, tuy nhiên việc lạm dụng màu vàng có thể đem lại hiệu quả trái ngược.


Màu vàng tuy nhiên cũng có thể đem lại cảm giác lo âu, ngờ vực và cảnh báo sự nguy hiểm hiểm. Đó là lý do các công ty bảo hiểm, kiểm toán, vận tải,…ít sử dụng vàng là màu chủ đạo cho thương hiệu.
MÀU CAM
Ngay từ bé, ta đã biết cam là sự kết hợp giữa màu đỏ đầy năng lượng và màu vàng tươi vui, thân thiện, nhờ đó màu cam đem lại những sắc thái tích cực của cả hai. Cam là sắc màu của tuổi trẻ, sự năng động, nhiệt huyết. Rất nhiều thương hiệu dùng màu cam với mục đích này có thể kể đến như Nike, Fanta, hay nhanh nhất bạn có thể thấy nó ngay tại website của Cam nhé!


Ngoài ra, đây là màu kích thích sự thèm ăn (giống màu đỏ) và vì thế nhiều nhà hàng có những thiết kế, chi tiết màu cam và xuất hiện ngay cả trên logo của Burger King, hay các hãng đồ ăn nhanh khác.
MÀU LAM
Màu sắc của biển và bầu trời, đem lại sự tươi mát, tinh khiết, trong sạch. Dễ bắt gặp nhất là nhiều thiết kế bao bì của các hãng nước như Aquafina, Lavie hay TH True Milk.

Màu xanh lam cũng giúp thương hiệu thể hiện sự đáng tin cậy, trung thành, mang tính ổn định cao và đây là lý do các công ty bảo hiểm, kiểm toán, ngân hàng chọn xanh dương thay vì màu vàng đã nói trên, có thể kể tới hàng loạt ngân hàng nước ta như BIDV, Ocean Bank, MB Bank,…

Màu lam cũng đem lại cảm giác đơn giản, chuyên nghiệp trong các thiết kế
MÀU XANH LÁ
Lục là màu sắc tượng trưng cho sự sống trái đất, màu của cỏ cây, nên chắc chắn mang sự đến thân thiện, hòa thuận. Những doanh nghiệp về nông nghiệp sẽ rất chuộng màu này, tăng sự tin tưởng của người dùng về sản phẩm sạch, chất lượng. Các công ty công nghệ thiên về sinh học, các tổ chức vì môi trường, xã hội cũng sử dụng màu xanh lá rất nhiều trên logo hay các sản phẩm khác.

Một mặt khác, màu lục theo văn hóa phương Tây chình là màu biểu hiện cho tiền tệ. Vì vậy với tông màu đậm hơn, xanh lá có thể mang đến sự quyền lực, nam tính được thấy ở một số thương hiệu như bia Heineken, Carlsberg hay Romano.

MÀU ĐEN VÀ TRẮNG
Màu đen là màu tiêu biểu cho quyền lực, bí ẩn, tinh tế. Màu đen được sử dụng nhiều dưới hình thức của một màu trung tính, làm nền cho các màu sắc khác. Chính bởi sự đơn giản mà tinh tế nên màu đen có thể kết hợp với rất nhiều màu khác để thể hiện những sắc thái rất khác nhau, có thể kể tới sự sang trọng, quý phái khi đi cùng vàng kim hay màu bạc.

Trái ngược với màu đen chính là màu trắng. Với công dụng chính là một màu nền, màu trắng mang lại sự sạch sẽ, đơn giản đến tối đa để những màu sắc nội dung tự do thể hiện. Màu đi cùng với trắng thường gặp nhất lại không màu nào khác chính là đen. Tùy theo cách sử dụng, sự kết hợp này có thể mang lại cảm giác đơn giản, tinh tế được nhiều người lựa chọn cho thiết kế web hiện nay.

Tạm kết
Với những giá trị có thể mang lại cho thương hiệu, màu sắc luôn được lựa chọn kỹ lưỡng cho mỗi thiết kế. Một thương hiệu không nhất thiết luôn phải đi theo những bộ màu đã cũ mà hoàn toàn có thể chọn những màu sắc khác với thiết kế ban đầu cho một chiến dịch nhất định để mang lại sắc thái khác biệt. Hy vọng bài viết giúp bạn có thêm cái nhìn chi tiết hơn về màu sắc trong branding nhé!