Anh Đoàn Đức Thuận (Phần 2): “Đừng để cảm xúc và những cái bồng bột của tuổi trẻ chi phối”

0
1092
Sau bài phỏng vấn đầu tiên, MaC FTU đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ độc giả về những lời khuyên vô cùng hữu ích đối với việc học và làm Marketing của anh Đoàn Đức Thuận. Ở phần này, hãy tiếp tục đồng hành với chúng tôi để lắng nghe anh chia sẻ về kinh nghiệm nghề nghiệp, quan điểm về khởi nghiệp cũng như yếu tố để tạo nên một người lãnh đạo thành công.

Marketing là một công việc thiên biến vạn hóa theo văn hóa, con người và vị trí địa lý. Từ kinh nghiệm làm việc ở nhiều nước khác nhau, anh nhận xét như thế nào về tập khách hàng ở mỗi quốc gia?

Mỗi nước thì họ lại có những đặc điểm nhân khẩu học, ngôn ngữ, hành vi và phong cách sống khác nhau, thậm chí ở Việt Nam thì người miền Nam và miền Bắc cũng khác nhiều, dẫn đến đa dạng hành vi tiêu dùng. Ví dụ như người Hà Nội sẽ có xu hướng thể hiện cái tôi nhiều hơn, người miền Nam thì thường đơn giản hơn. Cùng một sản phẩm là chiếc xe máy thì bán ở TP.HCM sẽ dễ hơn vì ở đó họ chỉ coi là xe là một phương tiện đi lại, nhưng với người Hà Nội, nó còn thể hiện phong cách và lối sống của họ. Nhưng bản chất ở Marketing ở vùng nào cũng sẽ không thay đổi, đó chính là sự thấu cảm khách hàng, đáp ứng những vấn đề về giá trị của khách hàng và giá trị đó phải gắn với sản phẩm, với giải pháp , chỉ là phải linh hoạt và thích nghi với từng hoàn cảnh khác nhau

Anh đã từng làm việc ở Nhật (Toyota), Mỹ (Colgate Pamolive), Italia (Paggio), và các doanh nghiệp Việt Nam thì nhận thấy rằng phong cách làm việc mỗi quốc gia có sự khác biệt. Với người Nhật, mọi thứ đều phải chỉn chu và trách nhiệm. Họ luôn có tư duy phải làm theo kế hoạch, suy nghĩ rằng chúng ta đang ở đâu và chúng ta cần đạt được những gì. Khi đưa ra một kế hoạch thì gần như mọi chi tiết đều đã được nghiên cứu, phản biện, nhận xét rất nhiều và không ngừng cải tiến trong nhiều năm. Còn người Phương Tây, họ đề cao việc sáng tạo nhiều hơn, đặc biệt là Ý và Pháp- tiêu biểu của tính nghệ sĩ với những quyết định đến rất ngẫu nhiên, có thể chỉ sau một ý kiến của ai đó hay vài thay đổi trên thị trường. Hai stereotypes này cũng thể hiện ở sự thật rằng các sản phẩm sáng tạo đột phá thì thường đến từ các nước phương Tây; còn những công năng, đặc tính chỉn chu từng chi tiết sẽ không nước nào vượt trội hơn đất nước Nhật. Nhưng bên cạnh đó, có những nước giao thoa và làm rất tốt cả hai khía cạnh đấy là Hàn Quốc và Singapore. Hàn Quốc có thể học theo những kỹ thuật của người Nhật nhưng họ cũng Tây hóa trong khía cạnh sáng tạo. Ví dụ như Samsung với thuyết phát triển Sashimi – bán cá phải bán nhanh trước khi cá ươn – luôn là những sản phẩm đi đầu có những tính năng tối ưu nhất và mới nhất. Đó là lý do nhiều công ty đầu tư vào tiểu tiết để phát triển lâu dài cho sản phẩm thì sẽ không bằng công ty đánh đúng vào những nhu cầu cần quan tâm nhất của người dùng.

Anh đã thành lập công ty StrategyM và với chúng em thì quyết định sáng lập một công ty rất quan trọng, là một bước ngoặt lớn và tất nhiên có rất là nhiều khó khăn kèm theo. Vậy động lực nào đã kết thúc đẩy anh theo đuổi đến cùng?

Đối với bọn em là những sinh viên hoặc mới đi làm vài năm, thì tư duy làm thuê hay làm chủ đôi khi là một sự đánh đổi. Khi mình làm dưới sự quản lý người khác thì là làm thuê, còn khi đứng trên trên đôi chân của mình và đi theo con đường mới thì gọi là làm chủ. Những năm đầu mới ra trường, bọn anh thường có suy nghĩ là phải làm chủ, mở công ty, phải khởi nghiệp mới là cách để khẳng định bản thân. Nhưng khi bắt đầu vào thực tế làm việc thì ý nghĩ đó mất dần đi theo thời gian và anh thấy rằng việc làm thuê hay làm chủ chỉ là để khẳng định giá trị của mình mà thôi. Làm thuê ở một công ty đa quốc gia hay làm chủ ở một cửa hàng thời trang có thể tạo ra thu nhập như nhau. Quan trọng là mình cảm thấy giá trị làm việc như thế nào.  Đến lúc anh làm việc đủ nhiều, anh thấy sự phân biệt dần nhạt nhòa và không quá quan trọng như trước nữa.

Thực ra, đến bây giờ anh vẫn chưa nghĩ là mình đã thành lập một công ty, cũng không còn cảm giác đã tạo ra một điều gì đó quá lớn lao nữa. Đó là một công cụ để làm việc – anh muốn tư vấn người khác thì phải cần có dấu cá nhân nên mở công ty. Anh cũng chẳng để ý rằng anh trở thành giám đốc từ bao giờ từ bao giờ. Với anh, nó đến một cách bình thường chứ không phải là một điều mà đắn đo hay đánh đổi. Khi đã trải qua một quá trình tích lũy kinh nghiệm và nhận được một số giá trị nhất định, việc mở công ty và có trách nhiệm với tên tuổi của mình không còn là quá nặng nề như các em đang nghĩ nữa.

Anh chỉ muốn khuyên rằng, các em hãy xác định rõ giá trị bản thân cần khi đi làm thuê hay làm chủ. Ngoài những tranh cãi về tâm lý thay thế cho nhau như thi đại học trượt thì đi du học nước ngoài hay không xin được việc vào công ty lớn thì mở công ty riêng,… Mà nên nhận ra mình đang thiếu gì, mình đang có gì và công việc nào sẽ đem lại lợi ích? Anh nhận thấy, với sinh viên mới ra trường trong 5 năm đầu, việc làm chủ được rất là khó, nếu không muốn nói là dại dột. Vì nó yêu cầu rất nhiều kỹ năng, kiến thức, chuyên môn, cần cả vốn xã hội sâu rộng nữa. Ở Việt Nam, anh thấy cái tinh thần “dám làm” hơi cao quá và tưởng rằng có thể thay thế được cái “biết làm” và làm giỏi. Mà để làm giỏi thì phải qua một thời gian nhất định và qua tương tác, dấn thân rất nhiều lần thì mới tích lũy được. Với những bạn còn trẻ, phải huy động, vay nợ nhiều tiền vào 1 start-up, phải cân nhắc trường hợp “ngã về không” cao, thì hành động của các em không thể là liều, là máu được nữa. Cần phải có một sự khôn ngoan và làm việc có cơ sở trước khi mà dấn thân, đừng để cảm xúc và những cái bồng bột của tuổi trẻ chi phối. Hãy giữ cho trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh để tỉnh táo trong quyết định khởi nghiệp này.

Các bạn sinh viên có thể rèn luyện kĩ năng lãnh đạo như thế nào?

Với anh, mọi kỹ năng đều có thể học hỏi được, nhưng bằng cách nào mới quan trọng. Chúng ta không thể nghe diễn giả, đọc trong sách vở hay xem phim được. Những cái kỹ năng này các em phải trực tiếp làm và dấn thân thì mới có thể phát triển được. Ví dụ như thuyết trình cần có hàng giờ để đứng trước gương và nói chuyện với chính mình. Còn kĩ năng lãnh đạo không chỉ là khả năng giao việc cho người khác và quản lý một tập thể, mà còn là lãnh đạo chính mình đi theo một cái lộ trình nghiêm túc như cái cách anh đã nói ở trên. Lãnh đạo phải là một người biết kết hợp năng lực của cả nhóm với một mục tiêu chung chứ không phải là người giao việc cho các thành viên. Họ phải biết điểm mạnh, yếu của từng người để giao việc đúng tinh thần của họ. Vậy nên kỹ năng lãnh đạo có thể là rất nhiều người chứ không phải là cả tập thể chỉ có một như ở Việt Nam. Thường mọi người sẽ có cảm giác “oai” khi làm lãnh đạo nhưng mà dần dần khi làm việc thì em sẽ thấy làm lãnh đạo là một công việc rất thực tế và cần phải biết là mình đang lead mọi người đi đến đâu.

Với anh, những yếu tố của một leader giỏi là một người biết kết hợp năng lực của cả nhóm, chắc kiến thức chuyên môn và biết cách gây ảnh hưởng đến tập thể. Họ cần tạo ra kết nối để người khác cảm thấy đủ tin cậy để mà làm việc cùng, mà để được thế thi cần phải tích luỹ nhiều kiến thức xã hội. Ví dụ như các lĩnh vực như lịch sử địa lý, chính trị đều phải có để có thể giữ được mối quan hệ với mọi người. Vậy nên cái thời gian sinh viên, các em hãy trau dồi mình nhiều hiểu biết về xã hội. Một điều anh rất tiếc là thời gian mà đầu óc minh mẫn nhất lại để nhồi vào đầu mình những cái kiến thức mà sau này vứt đi nhanh nhất, không dùng nhiều nhất.

Theo em được biết thì anh đang làm về Tư vấn chiến lược. Vào thời điểm anh bắt đầu ngành này thì đó chưa phải là một ngành hot ở Việt Nam. Tại sao anh vẫn quyết định theo đuổi và phát triển đến bây giờ?

Theo quan điểm của anh, công việc phải giao thoa được 3 thứ là: đúng nhu cầu xã hội, tạo ra giá trị cho chính mình và phù hợp với background của mình. Thứ nhất thì ngành này là đam mê của anh, tìm ra khi anh du học ngành Marketing và nhận thấy được bản chất mình thích là vấn đề chiến lược: anh cảm nhận ngành này là một công cụ kết nối được những rời rạc về thương hiệu, marketing và truyền thông. Thứ hai, anh thấy rằng lúc đó Việt Nam chưa có vì đang đi sau. Còn việc tư duy và hoạch định chiến lược thì ngành nào cũng cần, nhất là hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang dần hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, dần thấy được sự quan trọng của tư duy bài bản và cách làm chuẩn mực chứ không làm việc một cách ngắn hạn và cầu may nữa. Và công việc này cũng rất hợp với backgrounds của anh, với kinh nghiệm trước đây trong nhiều năm. Có thể nói rằng ngành này là một đại dương xanh khi chưa có quá nhiều cạnh tranh ở trong đó. Ví dụ, vấn đề về chiến lược thì nói nhiều rồi nhưng mà riêng về Innovation thì gần đây mới bắt đầu nở rộ hơn. Khi các em có cơ hội cập nhật về những kiến thức nước ngoài thì sẽ thấy được rất nhiều cái xu hướng ngành nghề mà chúng ta có thể đi trước.

Consulting là một lĩnh vực tuy không mới nhưng vẫn còn khá xa lạ với các bạn sinh viên. Liệu anh có thể chia sẻ một cách cụ thể về chuyên môn của mình để giúp các bạn hình dung rõ ràng hơn về công việc này được không?

Tư vấn là nghề cho thuê bộ não. Bản chất là giải quyết vấn đề cho khách hàng, vì khi gặp khó khăn thì họ mới tìm đến consultant. Vậy nên những người làm nghề tư vấn cần phải hiểu biết sâu sắc về chuyên môn tư vấn, những công cụ, đường lối, phương pháp để giải quyết vấn đề, nhưng không cần hiểu quá sâu về đặc thù từng ngành. Bởi tư duy để giải quyết vấn đề đều giống nhau. Các em hình dung tư vấn như là những cái cỗ máy, khi cho nguyên liệu là những vấn đề và thông tin về khách hàng thì bọn anh sẽ xử lý một cách chuyên nghiệp và đề xuất một lối đi và phương án đúng đắn cùng những năng lực cần có để đi theo hướng đó.

Anh coi năng lực của việc Tư vấn là năng lực giải quyết vấn đề – problem solving chứ ko phải market development. Những người lớn tuổi như anh thì sẽ có lợi thế là được kinh qua nhiều trường hợp và tiếp thu những phương pháp lạ mà mình học được để đưa cho khách hàng. Còn rất nhiều người trẻ vẫn có thể làm được tư vấn vì họ hiểu những hệ thống công cụ tiêu chuẩn nên vẫn có thể đi theo một lối mòn tư duy để giải quyết được vấn đề. Nói chung, công việc sẽ yêu cầu giải quyết vấn đề thông qua công cụ chứ không phải là dùng sự phán đoán và kinh nghiệm sâu trong một lĩnh vực cụ thể, anh hoàn toàn có thể tư vấn cho một công ty thời trang mặc dù anh không biết gì và cũng không thích thời trang.

Một nguồn để các bạn sinh viên có thể tìm hiểu về công việc tư vấn và thêm một số kiến thức để chuẩn bị các lĩnh vực khác nhau của Tư vấn là những quyển sách hay mà các bạn nên tham khảo. Trong đó đúc kết nhiều kinh nghiệm và giải thích các công cụ thành công của các công ty lớn. Ví dụ có quyển “Chiến lược đại dương xanh” có khái quát tổng thể về tư duy và cách tiếp cận để đạt được lợi thế cạnh tranh – một trong những công cụ để đạt được những cái mình muốn.

Em rất cảm ơn anh Đoàn Đức Thuận đã dành thời gian quý báu của mình để thực hiện buổi phỏng vấn với MaC FTU ngày hôm nay. Chắc chắn rằng những lời chia sẻ của anh không chỉ giúp độc giả của bọn em hiểu hơn về Marketing hay về Tư vấn chiến lược mà còn hữu ích đối các bạn trong việc xác định một con đường nghề nghiệp phù hợp trong tương lai. Một lần nữa cảm ơn anh Thuận và chúc anh cũng như StrategyM sẽ gặt hái thêm nhiều thành công!

Bài viết: Khánh Chi

Ảnh: Việt Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here